Quay lại

Ngày đăng: 29/12/2021

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi các chỉ số chính cố gắng ghi nhận mức cao kỷ lục trong tuần cuối cùng của năm. Kết phiên, chỉ số Dow Jones tiến 95,83 điểm (+0,3%) lên 36.398,21 điểm, tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Trong khi, chỉ số S&P 500 lùi 0,1% xuống 4.786,35 điểm sau khi ghi nhận mức đỉnh mới hồi đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite mất gần 0,6% còn 15.781,72 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục xem xét những thông tin về đại dịch Covid để tìm hướng đi với mối đe dọa từ biến thể Omicron đang xuất hiện rất lớn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vào ngày 27/12 đã rút ngắn khuyến cáo cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, nếu những người đó không có triệu chứng bệnh. Nghiên cứu ở Nam Phi cũng chỉ ra rằng biến thể Omicron có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch đối với biến thể Delta trước đó. Margaret Patel, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Allspring Global Investments, nhận định: “Nếu thị trường không bị đánh bại bởi biến thể mới Covid, tôi nghĩ nó cho bạn biết không có gì ngăn cản thị trường tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm”. Theo lịch sử chứng khoán Mỹ thường tăng nhẹ trong những phiên cuối cùng của năm, thường được gọi là hiện tượng “Santa Claus rally”. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã bứt phá hơn 27% và Nasdaq Composite leo dốc 22%. Dow Jones tăng gần 19%.
  • Giá dầu tiếp tục tăng với dầu Brent khép phiên gần mức 80 USD/thùng bất chấp sự lây lanh nhanh chóng của biến thể Omicron, được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt nguồn cung và kỳ vọng dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm trong tuần trước. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 0,43% lên 78,94 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 0,54% lên 75,98 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng đều dao động ở mức cao nhất trong 1 tháng, được hỗ trợ bởi sức mạnh của chứng khoán Mỹ. Chuyên gia phân tích dầu Giovanni Staunovo của UBS nhận định: “Sự hỗ trợ cũng đến từ sự gián đoạn sản xuất ở Ecuador, Libya và Nigeria, cùng kỳ vọng dự trữ dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm mạnh”. 3 quốc gia sản xuất dầu trên đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong tháng này đối với một phần sản lượng dầu vì các vấn đề bảo trì và mỏ dầu ngừng hoạt động. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ có khả năng giảm tuần thứ 5 liên tiếp, còn dự trữ xăng hầu như không đổi trong tuần trước. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của OPEC+ vào ngày 04/01/2022, tại đây nhóm này sẽ quyết định liệu có tiếp tục kế hoạch nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 02/2022 hay không.
  • Giá vàng đạt mức cao nhất trong 1 tháng khi các dấu hiệu gần đây về sự gia tăng lạm phát đã củng cố nhu cầu kim loại quý, mặc dù vàng đã xóa bớt đà tăng đầu phiên do đồng USD mạnh hơn. Khép lại phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên 1.811,77 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/11 là 1.820 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,2% lên 1.811,70 USD/oz. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Việc lợi suất trái phiếu giảm chững đà tăng và áp lực lạm phát là những yếu tố hỗ trợ vàng”. “Xu hướng đang diễn ra đối với vàng là đi ngang để leo cao trong ngắn hạn, và chúng tôi tin rằng xu hướng này đến từ áp lực lạm phát liên tục mà chúng ta đang thấy trên thị trường”, ông Meger chia sẻ. Chỉ số đồng USD đã tăng 0,1%, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết trong khi giá vàng được dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại vào đầu năm tới, lãi suất Mỹ tăng và lạm phát giảm có thể ảnh hưởng đến giá vàng, dự báo giá kim loại vào cuối năm 2022 ở mức khoảng 1.650 USD/oz. Đà tăng của vàng cũng bị giới hạn bởi đà leo dốc của chứng khoán Mỹ, với chỉ số S&P 500 mở phiên ở mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư vẫn không bị dao động bởi sự gián đoạn kế hoạch du lịch và cửa hàng đóng cửa vì biến thể Omicron.
Bản tin phái sinh 29/12/2021 - Rung lắc tại vùng cản 1.525 – 1.530 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang