Quay lại

Ngày đăng: 20/06/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • S&P 500 và Nasdaq Composite phục hồi vào ngày thứ Sáu (17/6), khi Phố Wall cố gắng tìm lại vị thế sau một tuần bán tháo khốc liệt. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính đều khép lại tuần qua với sắc đỏ, với S&P 500 ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 38,29 điểm (-0,13%) xuống 29.888,78 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 tiến 0,22% lên 3.674,84 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,43% lên 10.798,35 điểm. S&P 500 sụt 5,8% trong tuần qua, với tất cả 11 lĩnh vực đều lao dốc 15% so với mức đỉnh gần đây. Dow Jones khép phiên một lần nữa dưới mốc 30.000 điểm sau khi rớt mốc này vào ngày thứ Năm (16/6) lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Dow Jones giảm 4,8% từ đầu tuần đến nay, tuần sụt giảm thứ 11 trong 12 tuần qua. Nasdaq Composite cũng mất 4,8% trong thời gian này. Một số dữ liệu kinh tế quan trọng cho thấy kết quả giảm so với dự báo trong tuần này, từ doanh số bán lẻ tháng 5 đến xây dựng nhà ở mới. Ngoài ra, Fed đã nâng lãi suất với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Những nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Sáu lặp lại cam kết của cơ quan này trong việc kiểm soát lạm phát sau khi nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hồi đầu tuần này. Fed “đang tập trung sâu sắc để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của chúng tôi”, ông Powell nói. 
  • Giá dầu giảm 6% xuống mức thấp nhất 4 tuần, do lo ngại việc tăng lãi suất bởi các Ngân hàng trung ương lớn có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu và khiến nhu cầu năng lượng suy giảm. Chốt phiên, dầu thô Brent giảm 6,69 USD (-5,6%) xuống 113,12 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 8,03 USD (-6,8%) xuống 109,56 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 20/5/2022 và dầu WTI kể từ ngày 12/5/2022. Đồng thời, dầu Brent có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5/2022 và dầu WTI kể từ cuối tháng 3/2022. Tính chung, cả tuần dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, trong khi dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần. Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi đồng USD trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2002 so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. 
  • Giá vàng giảm 1% và có tuần giảm, do đồng USD tăng và việc tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn. Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1% xuống 1.837,59 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.840,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 1,7%. Giá vàng giảm sau khi tăng mạnh phiên trước đó, do đồng USD tăng 1,1%, chiến lược gia thị trường cao cấp Bob Haberkorn thuộc RJO Futures cho biết. Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng lãi suất chính sách lần đầu tiên trong 15 năm và Ngân hàng Anh cũng tiếp theo đó. 
Bản tin phái sinh 20/06/2022 - Hoạt động hedging có thể chiếm ưu thế
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang