Quay lại

Ngày đăng: 04/07/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi S&P 500 khép lại 6 tháng đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đóng cửa, Dow Jones Industrial Average tăng 321,83 điểm (+1,1%) lên 31.097,26 điểm. S&P 500 tiến 1,1% lên 3.825,33 điểm. Nasdaq Composite cũng nhận 0,9% lên 11.127,85 điểm. Bất chấp đà tăng trong ngày thứ Sáu, cả 3 chỉ số chính vẫn ghi nhận tuần giảm điểm thứ tư trong 5 tuần. Tính chung cả tuần vừa qua, Dow Jones giảm 1,3%, S&P 500 mất 2,2%, và Nasdaq sụt 4,1%. Nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát các tín hiệu cảnh báo từ một số công ty hạ dự báo lợi nhuận, bên cạnh mối lo ngại rằng tình trạng lạm phát duy trì ở mức cao trong nhiều thập kỷ có thể tiếp tục gây sức ép lên giá cổ phiếu. 
  • Giá dầu tăng hơn 2% do tình trạng nguồn cung thiếu hụt tại Libya và dự đoán đóng cửa sản xuất tại Na Uy bất chấp dự đoán suy giảm kinh tế có thể làm giảm nhu cầu. Chốt phiên 1/7, dầu thô Brent tăng 2,6 USD (+2,4%) lên 111,63 USD/thùng. Dầu WTI tăng 2,67 USD (+2,5%) lên 108,43 USD/thùng. Khối lượng giao dịch dầu WTI và Brent tương ứng chỉ bằng 70% và 77% so với khối lượng phiên trước. Tính chung cả tuần dầu Brent giảm 1,3% trong khi dầu WTI tăng 0,8%. Trong tháng 6 cả hai loại dầu này đều giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần bất chấp số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ chậm hơn so với dự kiến trong tháng trước, bổ sung bằng chứng cho thấy nền kinh tế này đang nguội lạnh khi Cục dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô và nhiên liệu giảm đã hỗ trợ thị trường dầu mỏ ngay cả khi chứng khoán giảm và USD tăng giá. 
  • Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp do USD mạnh và việc tăng lãi suất đang diễn ra, trong khi việc tăng thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ cũng làm giảm nhu cầu của nước này. Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.804,81 USD/ounce và giảm 1,2% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.801,5 USD/ounce. Các nhà đầu tư dường như cũng thích sự an toàn của đồng USD trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng tăng, sự gia tăng của đồng tiền này cũng khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. Ấn Độ, nước tiêu dùng vàng lớn thứ hai thế giới, đã tăng thuế nhập khẩu với vàng lên 12,5% từ 7,5% trong một nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới nhu cầu, mặc dù quý 3 thường thấy lượng mua vào mạnh trong dịp lễ hội. Các đại lý vàng tại Ấn Độ đã bán ở mức trừ lùi sâu trong tuần này do nhu cầu vẫn yếu, với thuế tăng có thể làm giảm lợi nhuận hơn nữa. 
Bản tin phái sinh 04/07/2022 - Biến động nhanh với biên độ giá rộng
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang