Ngày đăng: 16/04/2020
TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI
Tóm tắt nội dung:
Dịch SARs-Cov 2 đã đẩy kinh tế thế giới vào rủi ro suy thoái sâu và toàn diện, ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức -2,5 đến -3%, cao hơn mức giảm của đợt khủng hoảng tài chính 2008-2009. Với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, nhiều quốc gia châu Á đang thực hiện lệnh phong toả một phần hoặc toàn bộ đất nước để kiểm soát dịch bệnh, hoạt động kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng tê liệt toàn diện. Các nền kinh tế lớn dự báo sẽ suy thoái mạnh trong nửa đầu năm, dần hồi phục trong nửa cuối năm nếu dịch bệnh được kiểm soát trong Q2 và không có nguy cơ tái nhiễm.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020 theo IEA, giảm 29 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và 23,1 triệu thùng/ngày trong Q2 khi kinh tế toàn cầu rủi ro suy thoái mạnh do Covid-19. Triển vọng thị trường kém tích cực đã khiến giá dầu giảm mạnh gần 60% từ đầu năm đến nay.
Làn sóng sa thải tạm thời khi các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh được áp dụng làm các hoạt động kinh tế rơi vào tình trạng ngủ đông đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, Châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn cầu tăng mạnh. Tại Mỹ các khu vực phụ thuộc nhiều vào sản xuất như Ohio, Michigan, và dầu mỏ như Texas đã chứng kiến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt trong các tuần cuối tháng 3.
Trước sức ép về rủi ro tác động mang tính hệ thống của Covid-19 lên thị trường tài chính, thị trường tín dụng, thị trường lao động và nền kinh tế toàn cầu một cách toàn diện, các nhà hoạch định chính sách đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp tiền tệ và tài khoá một cách sâu rộng nhất nhằm giảm thiểu rủi ro tác động dài hạn lên tăng trưởng kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch.