Ngày đăng: 26/09/2018
Căn cứ vào bảng đánh giá chất lượng thị trường Việt Nam của FTSE được công bố vào tháng 3/2018, có thể thấy Việt Nam đã đạt toàn bộ những tiêu chí chất lượng của một thị trường mới nổi thứ cấp: 10/21 tiêu chí đạt chuẩn.
Trong sự so sánh với các thị trường được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường của FTSE như China A, Romania và Kuwait, Việt Nam có ít tiêu chí chưa đạt chuẩn hơn các quốc gia này: 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn so với 5 tiêu chí chưa đạt của China A, Arab Saudi, và 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn của Romania.
Điểm trừ của Việt Nam là Vị thế kinh tế: Trong khi Trung Quốc, Romania, Arab Saudi và Kuwait đều là các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức Trung bình cao và Cao, với xếp hạng tín nhiệm đạt hạng Đầu tư, thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức Trung bình thấp (2.170 USD/người năm 2017) và xếp hạng tín nhiệm vẫn ở hạng Đầu cơ.
Vì vậy, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thị trường, và câu chuyện nâng hạng của Việt Nam sẽ có nhiều phần giống với Pakistan. Trong đó, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế như:
· Năm 2017 và đầu năm 2018, Việt Nam được biết đến với danh hiệu thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á và một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất toàn cầu.
· Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng kinh doanh và đầu tư sang các thị trường lân cận với nhiều tiềm năng phát triển như Việt Nam.
· Tháng 8/2018, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ B1 lên Ba3, với triển vọng thay đổi từ ổn định sang tích cực.
Với việc Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí chất lượng của một thị trường mới nổi thứ cấp theo ma trận đánh giá của FTSE (như đã phân tích ở trên), nhà đầu tư có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách theo dõi (Watchlist) nâng hạng trong kỳ đánh giá xếp hạng thường niên của FTSE vào tháng 9/2018 tới.
Dựa trên giá trị tổng tài sản một số quỹ ETF sử dụng chỉ số FTSE Emerging Markets làm tham chiếu và giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào các quốc gia đã được nâng hạng như Arab Saudi, CLTT ước tính giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt trong khoảng từ 184 triệu USD đến 555 triệu USD. Quan trọng là sau đó các quỹ active sẽ tiếp tục đổ thêm vốn vào Việt Nam nhân cơ hội này và tạo nên một triển vọng rất tích cực sau khi được vào danh sách theo dõi.