Quay lại

Ngày đăng: 04/04/2016

Thị trường tuần mới: Xu hướng giảm còn tiếp diễn!

Thị trường khép lại tuần giảm điểm mạnh nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây, phá vỡ trạng thái điều chỉnh giảm sideway chuyến sang xu thế suy giảm ngắn hạn sau giai đoạn tăng khá. VN-Index đóng cửa ở 558,43 điểm, giảm 13,65 điểm tương ứng giảm 2,4%, HNX-Index đóng cửa ở 78,4 điểm, giảm 1,3 điểm tương ứng giảm 1,6% so với giá trị đóng cửa cuối tuần trước.

– Trong tuần qua các chỉ số chứng khoán Mỹ và Châu Âu tiếp tục trong xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua sau phát biểu thận trọng của chủ tịch Fed về khả năng chưa tăng lãi suất trong tháng 4. Đây chính là thông tin hỗ trợ TTCK thế giới có thêm một nhịp hồi phục sau khi giá dầu tạo đỉnh đi xuống bởi đợt hồi phục vừa qua thị trường về cơ bản phục hồi phần lớn nhờ giá dầu.  Về cơ bản diễn biến từ các thị trường tài chính thế giới đóng vai trò hỗ trợ tâm lý thị trường trong nước, mặc dù vậy trước áp lực cung gia tăng sau giai đoạn tăng khá thì các chỉ số chứng khoán trong nước vẫn không tránh khỏi tuần giảm điểm nhiều nhất trong 2 tháng trở lại đây.

– Giá dầu thế giới (WTI) trong tuần tiếp tục suy giảm mạnh sau khi không vượt được vùng kháng cự MA200 tương ứng mốc 42 usd/thùng. Kết thúc tuần, dầu thô WTI đóng cửa ở mức 36,79 usd/thùng giảm mạnh hơn 4% sau khi Hoàng tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho biết, Arab Saudi sẽ chỉ đóng băng sản lượng nếu Iran và các nước sản xuất chủ chốt khác có hành động tương tự. Bình luận này đã làm giảm tính khả thi của thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa Arab Saudi, Nga và một số nước khác, làm suy yếu một trong những yếu tố hỗ trợ chính đà hồi phục của giá dầu trong thời gian qua. Diễn biến giảm mạnh của giá dầu khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần tới, sự suy giảm của nhóm này với các cổ phiếu lớn như GAS, PVD... đã là một trong những yếu tố tạo áp lực giảm điểm lên các chỉ số.

– Về diễn biến giao dịch trong tuần, sự suy giảm giá cổ phiếu diễn ra trên diện rộng ở cả nhóm bluechip, midcap và penny, chỉ rất ít cổ phiếu vẫn còn tăng giá trong tuần. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng (VCB, MBB, BVH, SSI, HCM…), Dầu khí(GAS, PVD…)… giảm khá mạnh trong tuần qua tác động rất lớn đến chỉ số  và tâm lý thị trường. Chúng tôi nhận thấy nhiều cổ phiếu ở hầu hết các phân lớp nêu trên đã giảm qua đương hỗ trợ MA20 ngày, đây là tín hiệu tiêu cực và là nguyên nhân chính khiến các chỉ số giảm qua các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Chúng tôi nhận thấy dòng tiền vào thị trường đang hẹp cửa do: (1). Ưu tiên vốn ngân hàng cho thị trường trái phiếu(định hướng từ đầu năm), (2). Thông tư 36 sửa đổi ( giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%); (3). Dừng cho vay mới gói 30.000 tỷ từ 31/3; (4).Thông tư 07 chặn margin từ Banks; (5). Lãi suất có tín hiệu tăng lại, NHNN ban hành thông tư 24 vay bằng ngoại tệ trở nên khó khăn hơn;
Những tác động của chính sách ngày càng thể hiện rõ rệt tới dòng tiền vào thị trường, tác động vào kỳ vọng của giới đầu tư đã tạo nên quá trình giảm giá cổ phiếu trên diện rộng trong tuần qua. Những ảnh hưởng này có thể chưa kết thúc và là yếu tố chính khiến chúng tôi thận trọng với thị trường trong ngắn hạn.

– Thanh khoản thị trường trong tuần suy giảm so với mức bình quân của tuần trước, và hiện tường suy giảm thanh khoản diễn ra cùng sự suy giảm về điểm số cho thấy dòng tiền vẫn đang rút ra mà chưa tín hiệu trở lại, điều này khiến các chỉ số trong tuần chưa thể có sự hồi phục đáng kể nào. Việc thanh khoản tiếp tục suy giảm là yếu tố khiến chúng tôi chưa khuyến nghị nhà đầu tư mở lại vị thế mua mặc dù nhiều cổ phiếu đã giảm về mức thấp, trong tuần tới nếu chưa có sự cải thiện nào về thanh khoản thì xu thế giảm vẫn chưa kết thúc.

– Về giao dịch của khối ngoại, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng hơn 270 tỷ đồng trên TPHCM và mua ròng hơn 70 tỷ đồng trên sàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy hoạt động chốt NAV cuối quý của khối ngoại đã diễn ra tích cực, tuy nhiên trước áp lực bán tăng cao từ khối nội thì hoạt động mua ròng của khối ngoại vẫn không đủ giúp các chỉ số tăng điểm trong tuần. Với giao dịch thỏa thuận, đáng chú ý có giao dịch bán ròng 318 tỷ đồng của khối ngoại với cổ phiếu VIC. Chúng tôi dự báo khối ngoại sẽ giảm giao dịch trong tuần tới  khi hoạt động chốt NAV đã kết thúc và do đó ảnh hưởng của khối này với thị trường sẽ chỉ ở mức hạn chế.

– Chúng tôi đã liên tục tư vấn giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục sau tín hiệu bất ngờ của phiên 24/03/2016 và thực tế đang cho thấy hành động này đã bảo vệ thành quả cho nhà đầu tư khi các tín hiệu cho một nhịp điều chỉnh ngày càng rõ ràng, các chỉ số nói chung và mặt bằng giá cổ phiếu nói riêng đã giảm đáng kể.


– Sau tuần giảm điểm mạnh này thì các chỉ số đã giảm qua vùng hỗ trợ ngắn hạn tại ngưỡng 38.2% fibonaci retracement tương ứng 560 điểm với Vnindex và 79 điểm với Hnxindex, trên đồ thị tuần thì các chỉ số cũng đã chính thức giảm qua đường trung bình động 20 tuần (MA20), đây là những tín hiệu tiêu cực cho thấy các chỉ số có thể giảm về các vùng hỗ trợ thấp hơn tương ứng vùng 540 - 550 điểm với Vnindex và 76 điểm với Hnxindex.

Kết luận xu thế thị trường:

– Xu thế ngắn hạn vẫn là giảm và các chỉ số sẽ kiểm nghiệm các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn trong tuần tới tương ứng vùng 540 - 550 điểm với VN-Index và 76 điểm với HNX-Index.Thị trường tạm kết thúc nhịp hồi từ đáy đi lên, đợt giảm lại này cần thận trọng và điều đầu tiên là bảo vệ tài khoản, hạn chế margin và mua vào quá sớm.
– Năm nay là năm khó khăn do đó chúng tôi vẫn cho rằng đây là sóng hồi của một vùng dao động có biên lớn từ 50-70 điểm tức trong khoảng của Boillinger Band theo đồ thị tuần là 530-615. Do đó, đây là các vùng cận trên cận dưới tham khảo để mua bán tốt trong năm nay. Mua khi điểm số thị trường sát cận dưới, Bán khi chỉ số tiệm cận sát cận trên hoặc các điểm kháng cự mạnh.
Chiến lược giao dịch ngắn hạn:
Giữ lợi thế với tỷ trọng tiền mặt cao.
Chưa vội tham gia bắt đáy khi xu thế giảm chưa có tín hiệu kết thúc.
Nên quan sát quá trình suy giảm của các cổ phiếu cơ bản tốt trong tuần tới để có thể chủ động mua vào với giá thấp khi quá trình suy giảm chung có tín hiệu kết thúc.

Chiến lược đầu tư trung và dài hạn:
Quan sát quá trình suy giảm của các cổ phiếu cơ bản tốt trong tuần tới để có thể chủ động mua vào với giá thấp khi quá trình suy giảm chung có tín hiệu kết thúc.
Danh mục theo dõi:
Đối với nhóm tài chính (Ngân hàng, Bảo hiểm, chứng khoán): Đây là một trong nhóm dẫn đầu đợt sụt giảm lần này, do đó giá giảm nhanh và sâu sẽ là cơ hội để gom mua cho trung hạn. Chúng tôi đề xuất theo dõi và gom mua VCB trong vùng giá 38-40/ MBB trong vùng giá 13-14; Nhóm bảo hiểm: BVH theo dõi tại vùng giá 44-46; PVI quanh mốc 21-23. Nhóm chứng khoán: SSI xem xét giải ngân quanh vùng 19-20.5; HCM tại vùng giá 25-27.
Đối với nhóm cổ phiếu thoái vốn SCIC: BMP theo dõi tại vùng giá 125-135; FPT gom mua trong vùng giá 43-45; VNM gom mua quanh 125 - 130+/-
Đối với các cổ phiếu tốt đã xác lập trend: KSB gom mua quanh vùng giá 38-40; EVE xem xét mua mạo hiểm theo xu hướng, hoặc chờ điều chỉnh gom mua quanh mốc 38+/-; VCS theo dõi vùng giá 75-80;
Nhóm dược phẩm: có thế tiếp tục thực hiện mua và nắm giữ với DMC, IMP
Nhóm ngành thép: Xem xét gom mua HSG nếu về vùng giá mục tiêu 28-30, HPG theo dõi vùng giá 25-27.
Nhóm ngành Cảng biển: DVP xem xét gom mua dần quanh vùng giá mục tiêu 63-65; VSC theo dõi vùng giá 49-55…mua và nắm giữ cho trung hạn
Nhóm ngành Dệt may: VGG theo dõi và gom mua trong vùng giá mục tiêu 54-60; TNG vùng giá 16-17, TCM theo dõi gom dần vùng giá 24-26… cho mục tiêu trung hạn.
Nhóm Vật liệu xây dựng: CVT gom mua quanh vùng 20-22;  PDB gom mua quanh vùng 20+/-
Nhóm săm lốp: DRC gom mua quanh vùng 40-43, CSM quanh vùng 26-28.
Nhóm dầu khí: Theo dõi trading cùng xu hướng dầu thô, GAS theo dõi quanh vùng 34.5-39, PVD quanh vùng 20.2-22.5; PVS quanh vùng 13-14.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang