Ngày đăng: 01/06/2022
Quan điểm đầu tư
Chúng tôi khuyến nghị MUA và thay đổi giá mục tiêu của PNJ lên 136.100 đồng/cổ phiếu (+30,24% tăng giá, sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền). Các yếu tố thúc đẩy giá: (1) dự kiến sức mua dành cho các mặt hàng không thiết yếu như trang sức sẽ phục hồi (2) thị phần gia tăng do những cửa hàng trang sức nhỏ lẻ phải đóng cửa, (3) đổi mới, tái cơ cấu, đẩy mạnh bán hàng online nhằm mở rộng tập khách hàng.
Cập nhật kết quả kinh doanh 2021
- Kết thúc năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức do làn sóng dịch Covid 19 bùng phát, PNJ công bố KQKD năm 2021, ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng (tăng 11,9% yoy) hoàn thành 93.3% kế hoạch năm 2021 và LNST đạt 1.030 tỷ đồng (giảm 3,7% yoy), hoàn thành 84% kế hoạch năm 2021.
- Doanh thu Quý 4 của PNJ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp sau khoảng thời gian giãn cách, các cửa hàng được mở cửa trở lại khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ, với doanh thu và LNST lần lượt đạt 7.176 tỷ đồng và 457 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,6% và 7% so với cùng kỳ. So với quý 3 - quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, doanh thu tăng gấp lần 7 lần và LNST đã tăng trưởng dương.
- Năm 2021, tăng trưởng kênh bán lẻ - kênh kinh doanh cốt lõi của PNJ đạt 10,5% yoy trong khi doanh thu vàng miếng tăng mạnh 25% giúp PNJ củng cố vững chắc cho vị trí dẫn đầu về thị phần bán lẻ trang sức tại Việt Nam. Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 3,8% so với năm trước. Doanh thu sỉ cả năm 2021 giảm 5,5% so với cùng kỳ.
- Sang đến 2022, chỉ trong 4 tháng đầu năm, PNJ đã có những kết quá kinh doanh rất tích cực. Cụ thể: PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.912 tỷ đồng (+42,9% YoY) và LNST đạt 866 tỷ đồng (+44,9% YoY). PNJ đã hoành thành được 50% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận chỉ trong 4 tháng.
- Tính đến thời điểm cuối tháng 4 2022, PNJ có tổng cộng 343 cửa hàng trên toàn quốc.
Rủi ro đầu tư
- Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các yếu tố gây nên áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với mặt hàng xa xỉ. Tuy khả năng xảy ra không cao, rủi ro dịch bệnh vẫn còn hiện hữu khi có thể xuất hiện 1 biến chủng kháng vắc xin, khiến các lệnh giãn cách xã hội được tái áp dụng. Nếu trường hợp này xảy ra, ngành bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể tương tự như năm 2021.