Ngày đăng: 20/06/2022
Điểm nhấn đầu tư
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu IDC, với giá mục tiêu 66,200 VND/cổ phiếu (+28%) theo phương pháp RNAV, dựa trên các luận điểm chính:
1.Doanh thu và lợi nhuận của IDC được kỳ vọng tăng trưởng khả quan từ năm 2022. Ngoài mảng kinh doanh chính là cho thuê và quản lý hạ tầng Khu công nghiệp (KCN), IDC còn đầu tư vào các nhà máy thủy điện, kinh doanh điện, xây dựng, thu phí đường bộ và các dự án bất động sản dân dụng/thương mại. Các ngành kinh tế này sẽ hưởng lợi tích cực khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường và biện lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện từ việc khôi phục các hoạt động kinh tế khi tỷ lệ tiêm chủng cao.
2.IDC đang phát triển quỹ đất khu công nghiệp lớn và có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Cụ thể, hiện tại, IDC đang sở hữu 868ha đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê tại các KCN Phú Mỹ 2, KCN Quế Võ 2, KCN Cầu Nghìn, KCN Hựu Thạnh,… trong giai đoạn 2022 - 2026. Đây là các Khu công nghiệp tại các địa phương có tiềm năng thu hút FDI và tăng giá cao. Trong giai đoạn từ 202-2030, IDC dự kiến sẽ phát triển thêm khoảng 1,000ha đất sạch thuộc khu vực phía Bắc (400ha) và phía Nam (600ha). Đây là động lực tăng trưởng chính cho IDC trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới.
3.Phát triển bất động sản nhà ở để tận dụng xu hướng tăng giá của giá đất và lợi thế phát triển khu công nghiệp. Ban lãnh đạo IDC có kế hoạch phát triển các dự án nhà ở và Khu đô thị (KĐT) nằm cạnh các dự án Khu công nghiệp trong tương lai trong lộ trình phát triển của công ty với tổng diện tích của mỗi dự án tương đương 10%-30% của mỗi dự án khu công nghiệp. Khách hàng hướng tới là công nhân và các chuyên gia làm việc tại chỗ trong các KCN này. Chúng tôi tin rằng các dự án bất động sản nhà ở sẽ mang lại thêm nguồn thu nhập đáng kế cho IDC trong giai đoạn 2025 – 2030.
Rủi ro đầu tư
1.Rủi ro liên quan đến việc chậm tiến độ triển khai của các dự án trong tương lai.
2.Rủi ro vĩ mô: nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, áp lực gia tăng từ lạm phát, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng lãi suất có thể gây áp lực lên nhu cầu đầu tư trong nước và nguy cơ địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng có thể gây áp lực lên dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.