Ngày đăng: 01/04/2022
Cập nhật kết quả kinh doanh
- Trong Q4/2021, VIB đạt tổng thu nhập hoạt động (TOI) 4,502 tỷ đồng (+33.6% YoY), trong đó thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi lần lượt đạt 3,400 tỷ đồng (+32.7% YoY) và 1,102 tỷ đồng (+36.4% YoY). Chi phí hoạt động trong Q4/2021 giảm -12.0% YoY, giúp tỷ lệ CIR trong Q4/2021 đạt mức thấp kỷ lục 25.5%. Luỹ kế cho cả năm 2021, TOI đạt 14,890 tỷ đồng (+32.8% YoY); thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi đạt lần lượt 11,816 tỷ đồng (+39.1% YoY) và 3,074 tỷ đồng (+13.1% YoY). Chi phí hoạt động tăng +18.3% YoY, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng TOI đưa mức CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng thu nhập hoạt động) đạt 35.5%, thấp hơn 430 bps so với năm 2020.
- Tăng trưởng tín dụng đạt 19.1%, tuy thấp hơn đáng kể so với mức 29.5% trong năm 2020. Điều này là do các mảng cho vay của VIB tập trung vào phân khúc bán lẻ, nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi giãn cách trong Q3, khiến tăng trưởng tín dụng bị chậm lại. Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế của VIB khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tốc độ phục hồi của nhóm khách hàng này cũng sẽ nhanh hơn, điển hình trong Q4 khi tăng trưởng tín dụng đạt hơn 7.3%, cao gấp 3 lần so với quý trước đó.
- NIM trong năm 2021 đạt 4.7%, tăng 50 bps so với năm 2020. Mặc dù lãi suất cho vay trung bình trong năm suy giảm nhẹ do chính sách giảm lãi chủ động hỗ trợ khách hàng, việc NHNN duy trì môi trường lãi suất thấp đã giúp chi phí vốn của VIB giảm mạnh từ mức 4.6% xuống còn 3.6%, từ đó giúp NIM gia tăng mạnh.
- Chất lượng tài sản có sự suy giảm so với năm 2020 khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất đạt 2.32%, tăng đáng kể so với mức 1.74% của năm trước đó. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng gia tăng lên mức 2.62% so với 1.49% của năm 2020. Điều này là do tỷ lệ cho vay bán lẻ của ngân hàng khá lớn, khiến chất lượng tài sản bị suy giảm trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, xét tổng tỷ lệ cho vay dưới chuẩn đã có sự cải thiện đáng kể so với Q3/2021. Tỷ lệ này tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 4.94%, thấp hơn 52 bps so với mức 5.46% trong Q3/2021. Điều này thể hiện ngân hàng đã có những biện pháp hiệu quả nhằm đưa các khoản nợ tái cơ cấu trở thành các khoản nợ tiêu chuẩn, do đó sẽ giảm được áp lực trích lập dự phòng cho những năm sau.
- Bên cạnh chất lượng danh mục cho vay, chỉ lệ bao nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2021 cũng có sự suy giảm so với năm 2020 khi chỉ đạt 51.4% so với mức 59.1% của năm trước. Tuy vậy, ngân hàng cũng đã chủ động trích lập dự phòng rất cao trong năm 2021 khi đạt 1,598 tỷ đồng (+68.6% YoY), điều này sẽ giúp ngân hàng có nhiều dư địa xử lý các khoản nợ tái cơ cấu cũng như nợ xấu nếu phát sinh, từ đó cải thiện chất lượng tài sản trong những năm sau.