Quay lại

Ngày đăng: 22/08/2016

Diễn biến TT quốc tế:

Chứng khoán Mỹ phiên 19/8 mất điểm chủ yếu do cổ phiếu hàng tiện ích giảm khi giới đầu tư đánh giá viễn cảnh lãi suất trong những tháng tới. Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,1% dừng ở mức 18.552,57 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,01% xuống 2.183,87 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,09% tương ứng mức 5.238,38 điểm. Đáng chú ý, Hôm thứ Năm 18/8, Chủ tịch Fed San Francisco John Williams cho rằng Ngân hàng trung ương Mỹ nên sớm nâng lãi suất, có thể vào tháng 9 tới, và nhận định nếu Fed chờ đợi quá lâu, nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả. Trước đó, Chủ tịch Fed New York William Dudley cũng có bình luận chủ chiến về việc nâng lãi suất.
Giá dầu chốt phiên 19/8 ghi nhận tuần tăng thứ 3 lien tiếp khi hy vọng về thỏa thuận đóng băng sản lượng lấn át lo ngại về lượng dầu lưu kho. Kết thúc tuần giá dầu WTI tăng 9,1% lên mức 48,52 USD/thùng, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3. Bên cạnh đó, chỉ số USD Index giảm -1,15% trong tuần qua cũng là một trong những yếu tố giúp giá dầu hồi phục tích cực. Mặc dù vậy, áp lực nguồn cung vẫn tiếp tục tăng lên theo số giàn khoan của Mỹ kết thúc tuần đến 19/8 tăng 10 giàn lên 406 giàn, ghi nhận tuần tăng thứ 8 liên tiếp, đợt tăng dài nhất trong hơn 2 năm qua, theo số liệu của Baker Hughes.
Sau khi biên bản họp tháng 7/2016 của Fed được công bố, đã có ít nhất 2 quan chức Fed bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế nói chung và lo ngại về việc chờ đợi quá lâu cho đợt nâng lãi suất tiếp theo. Ngoài ra, một thành viên khác của Fed đã làm xác suất nâng lãi suất vào tháng 9/2016 tăng cao ngay cả khi một vài chuyên viên giao dịch cho rằng không có khả năng xảy ra đợt nâng lãi suất vào tháng tới.
Diễn biến thị trường trong nước
Giao dịch giằng co là xu hướng chủ đạo trong tuần qua, trong đó nhóm cổ phiếu trụ cột có ảnh hưởng lớn nhất lên sự tăng giảm của các chỉ số. Đáng chú ý, khối ngoại bất ngờ quay đầu bán ròng mạnh trong tuần qua. Mặc dù giao dịch bán ròng này không ảnh hưởng quá tiêu cực lên thị trường nhưng cũng là một yếu tố đáng chú ý quan trọng trong ngắn hạn.
Áp lực chốt lời tiếp tục gây áp lực lên chỉ số trong tuần qua khi VN-Index kết thúc tuần duy trì đà tăng nhẹ 0,99% lên mức 662,28 điểm trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0,02% xuống mức 83,10 điểm. Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn diễn biến trái chiều khi khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 115,5 triệu đơn vị/phiên tăng 8,65% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 35 triệu cổ phiếu/phiên giảm 2,09%. Tuy vậy, điểm cần lưu ý là thanh khoản đã sụt giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần.
Diễn biến thị trường: Thị trường khởi đầu với khá nhiều sức ép khi áp lực bán liên tục lan tỏa trên diện rộng và khiến giao dịch thị trường tiếp tục gặp khó khăn. Tuy vậy, các cổ phiếu trụ cột như VNM, MWG, KDC, HPG… thay nhau tăng điểm cùng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu Dầu khí đã đóng vai trò quan trọng giúp sắc xanh hiện diện trên các chỉ số thị trường dù đà tăng không quá mạnh.
VN-Index được giữ vững trên vùng 660 điểm phần lớn nhờ các cổ phiệu trụ cột như MSN, VNM và GAS đóng vai trò lớn. Còn lại, đa số các cổ phiếu khác đã bắt đầu phân hóa và có tín hiệu điều chỉnh khá rõ rệt về cuối tuần. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh do tín hiệu dòng tiền chốt lời khi HPG và HSG đều giảm trở lại sau khi chạm vào các vùng kháng cự mạnh. Các nhóm cổ phiếu khác như Bất động sản (VIC, TDH, DXG, SCR…), Săm lốp (CSM, DRC…), Dược(DHG, IMP, DMC…), Dệt may (TNG, TCM…), Ngân hàng(BID, CTG…) đều tiếp tục xu hướng suy giảm cho thấy tín hiệu suy yếu ngắn hạn của các nhóm cổ phiếu. Chính điều này đã khiến cho thanh khoản thị trường giảm dần trong các phiên cuối tuần.
Tuy vậy giao dịch thị trường không quá tiêu cực khi đà giảm ở các cổ phiếu này không quá mạnh và dòng tiền vẫn đang tích cực luân chuyển ở các nhóm cổ phiếu giúp thị trường diễn biến không quá bi quan.
Giao dịch khối ngoại. Khối ngoại trở thành tâm điểm của thị trường trong tuần qua khi đẩy mạnh bán ròng qua các phiên, trong đó lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Bluechip như VNM, VIC, HBC, KBC, PVT,…. Động thái bán ròng của khối ngoại tuy không ảnh hưởng mạnh lên các chỉ số thị trường nhưng cũng đã tạo nên những khó khăn nhất định cho thị trường trong các phiên tăng điểm. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1.098 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ bán ròng trên HOSE với 1.079 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với 19 tỷ đồng. Trong đó VNM dẫn đầu danh sách khi bị bán ròng lên tới hơn 303 tỷ đồng, tiếp sau đó là VIC với giá trị ròng đạt -191 tỷ đồng.
Thông tin đáng chú ý cổ phiếu HAG
Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ hơn 1.000 tỷ trong nửa đầu năm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, HAG ghi nhận doanh thu 3.658 tỷ đồng và doanh thu tài chính 507 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty có lỗ trước thuế 1.075 tỷ đồng, riêng các khoản lỗ bất thường là 941 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ nặng là do thanh lý dự án bất động sản tại TPHCM 413 tỷ, đánh giá lại tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng và lỗ do lãi vay.
HAG hiện đang có quy mô đàn bò sữa khoảng 7.500 con, bò thịt là ngành đóng góp chính vào nguồn doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn với quy mô 130.000 con. Hoạt động mía đường đã hoàn thành vụ mùa vào tháng 3/2016 thu được 47.000 tấn đường, thấp hơn các năm trước do năm 2016 thay đổi quá trình thâm canh và chu kỳ canh tác mía. Công ty đã hoàn thành nhà máy chế biến dầu cọ với công suất 45 tấn buồng quả/giờ, quý 4/2016 chính thức đưa vào hoạt động.
Dự án Myanmar thì cao ốc văn phòng đã cho thuê được 60%, trung tâm hương mại cho thuê được 95% và khách sạn 5 sao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2016. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã thanh lý các dự án bất động sản tại Việt Nam, thanh lý các dự án khoáng sản và các mảng kinh doanh không có triển vọng. Tổng chi phí bất thường do thanh lý các dự án và tài sản này là 944 tỷ đồng (chiếm 2% tổng tài sản hợp nhất). Các ngành dịch vụ như bệnh viện, khách sạn đang kinh doanh có lãi.
Hiện HAG và Công ty con - HNG vẫn chưa công bố BCTC riêng và hợp nhất quý 2/2016 cũng như BCTC soát xét bán niên 2016. Ngày 16/08, UBCK Nhà nước đã chấp thuận cho HAG và HNG được gia hạn công bố Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2016
Về mặt kỹ thuật:
Chỉ số VN-Index trong tuần quan vẫn tiếp tục trong xu hướng giao dịch giằng co và đi ngang trong vùng dao động hẹp 653-668 với hỗ trợ ngắn hạn ở mốc 655 điểm. Trong đó, kháng cự tại dải trên của Boillinger band đang ở khá gần tương ứng vùng 670 điểm do đó khả năng vượt qua vùng kháng cự mạnh này trong ngắn hạn là thấp nhất là khi KLGD đang có tín hiệu giảm dần.
Bên cạnh đó áp lực bán đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những phiên gần đây, do đó trong trường hợp vùng 653 điểm bị phá vỡ khả năng VN-INDEX có thể kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ mạnh tại MA20 và MA50 ngày tương ứng mức 645-648 điểm. Ngược lại, nếu vùng 655-660 điểm tiếp tục trụ vững trong vài phiên tới thì đà tăng ngắn hạn sẽ còn tiếp tục.
Chiến lược giao dịch tuần tới: Duy trì danh mục hiện tại.
Việc chỉ số VN-Index giữ được mốc 660 đã là một thành công lớn trước áp lực bán ròng mạnh và liên tục của khối ngoại trong 2 tuần qua. Có thể nói, sau một tuần tăng điểm mạnh trước đó, thị trường trong tuần này đã có những phiên giao dịch tích lũy, VN-Index giao dịch khá giằng co quanh ngưỡng 660 điểm với sự phân hóa mạnh trước khi kết thúc phiên ở mức tăng nhẹ.
Điểm tích cực là sự tăng giá luân phiên của các cổ phiếu, từ nhóm vốn hóa lớn đến các cổ phiếu cơ bản với thanh khoản duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang tích cực tìm kiếm các cơ hội sinh lời trên thị trường. Bên cạnh đó, tín hiệu kỹ thuật của các chỉ số vẫn duy trì ở mức tích cực, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Theo đó, VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra vùng đỉnh cũ tại 670-675 điểm trong tuần tới.
Do đó chiến lược đầu tư trong tuần tới sẽ là duy trì danh mục hiện tại nhằm tận dụng đà tăng điểm của hai chỉ số. Trong trường hợp VN-Index giảm mạnh qua ngưỡng hỗ trợ mạnh 645-650 điểm, NĐT nên giảm bớt tỷ trọng margin và danh mục cổ phiếu, gia tăng tỷ trọng tiền mặt.

 

 

TRẠNG THÁI
MÃ CK
GIÁ HIỆN TẠI
VÙNG GIÁ MUA
GIÁ MỤC TIÊU
ĐIỂM DỪNG
LN KỲ VỌNG
THỜI GIAN
               
Nắm giữ
VNM
147
144-147
170
148
>10%
6 tháng
Nắm giữ
HPG
48.2
40-42
55-60
<38
>30%
6 tháng
Nắm giữ
HSG
40.8
37+/-
50
<35
>20%
6 tháng
Nắm giữ
FPT
42.4
40+/-
48
<38
>15%
6 tháng
Nắm giữ
NT2
35.2
30-32
40
<34
>25%
6 tháng
Nắm giữ
SCR
9.4
9.9
13
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang