Quay lại

Ngày đăng: 15/08/2016

Những lo ngại và ảnh hưởng xoay quanh sự kiện “BREXIT” đang mờ nhạt dần khi thị trường tiếp tục có một tuần tăng điểm mạnh và chạm vùng đỉnh cũ 640 điểm. Đây là lần thứ 3 trong 3 năm gần đây nhất VN-INDEX chạm trở lại vùng kháng cự mạnh này. Mặc dù thanh khoản sau phiên giao dịch kỷ lục không cao, mức trung bình khớp lệnh chỉ đạt 104 triệu đơn vị nhưng diễn biến chung thị trường vẫn rất tích cực và có sự hỗ trợ khá lớn từ lực mua ròng của NDTNN.
Tuần qua, NDTNN tiếp tục mua ròng 294 tỷ đồng trên cả hai sàn góp phần không nhỏ vào mức tăng chung của điểm số cũng như tạo tâm lý lạc quan trở lại đối với thị trường. Đáng chú ý, cổ phiếu được NDTNN mua mạnh gồm: VCB, DXG, CII, GAS, SSI…Trong hai tháng 5 và tháng 6, NDTNN đã mua ròng tổng cộng 872 tỷ trên HSX hỗ trợ rất lớn đối với thanh khoản và xu hướng chung. Tuy nhiên, mức độ mua ròng đã có tín hiệu giảm dần vào tháng 6.

Xét về diễn biến giao dịch, VN-INDEX đã lấy lại được sự cân bằng và số điểm đã mất trong phiên thứ 6 tuần trước, mặc dù chạm vùng điểm kháng cự cao nhưng áp lực chốt lời diễn ra không đáng kể. Trong đó, dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh mẽ và tập trung vào một số nhóm cổ phiếu Bluechip và cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực như Dầu khí (GAS, PVD…), Hàng tiêu dùng(VNM, MWG…), Bất động sản(VIC), Xây dựng và Vật liệu xây dựng (CTD, HBC, PDB, C32, CVT, KSB…), Thép (HSG, HPG), Ô tô(SVC, HTL)…Trong khi đó nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp tục bị bỏ quên. Đó chính là sự khác biệt trong sóng tăng của năm nay, khi mà thị trường điều chỉnh mạnh, cầu bắt đáy vào các cổ phiếu tốt lại gia tăng mạnh nhờ lực hút từ dòng tiền đầu tư.

Nhìn từ phân lớp cổ phiếu, nhóm dầu khí được dẫn dắt bởi hai cổ phiếu trụ cột là GAS và PVD vẫn duy trì tín hiệu tăng khá tốt nhờ đà phục hồi của giá dầu trong tuần qua. Bên cạnh đó, thông tin hé lộ sớm về KQKD của nhóm dầu khí cũng phần nào cho thấy kết quả không quá xấu như dự kiến trước đó.
Đối với cổ phiếu hàng tiêu dùng, việc Vinamilk chính thức thông qua quyết định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã tác động khá lớn đến diễn biến hồi phục giá của cổ phiếu cũng như tạo sức ảnh hưởng lan tỏa hỗ trợ thị trường hồi phục tăng điểm mạnh trong tuần qua.
Đối với nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, dẫn đầu xu hướng tăng với mức tăng mạnh suốt thời gian qua là cổ phiếu CTD với kết quả kinh doanh phục hồi mạnh nhờ các dự án ký kết với giá trị lớn. Tiếp sau đó là HBC và PDB là những cổ phiếu xây lắp dự kiến cũng có KQKD tích cực trong Quý II/2016. Và sự hồi phục của lĩnh vực Xây lắp là yếu tố hỗ trợ nhóm cổ phiếu Vật liệu xây dựng như C32, KSB, DHA, CVT, VIT…tiếp tục có bước tăng giá mạnh mẽ trong tuần qua.

Đối với nhóm ngành thép, đặc thù là tính chu kỳ cao và nhờ sự hồi phục của thị trường BDS và Xây lắp trong 6 tháng đầu năm đã khiến hai cổ phiếu hàng đầu là HSG và HPG có mức tăng giá mạnh mẽ nhờ KQKD tiếp tục khả quan. Trong cuộc gặp với các quỹ đầu tư vào ngày 01/7, HPG cho biết Khu liên hợp gang thép đang chạy tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, không chỉ thép xây dựng thành phẩm mà cả phôi thép cho các đơn vị có nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm, HPG đã xuất bán khoảng 140.000 tấn phôi cho các nhà máy cán trong nước. Dự án nhà máy tôn mạ màu, mạ lạnh và sơn màu công suất 400.000 tấn/năm tại Hưng Yên được triển khai từ tháng 5/2016 dự kiến sẽ cho ra sản phẩm vào đầu 2018. Đối với dự án Nhà máy TACN đã đưa vào hoạt động nhà máy tại Hưng Yên công suất 300.000 tấn/năm và dự kiến đưa nhà máy tại Đồng Nai đi vào hoạt động cuối năm nay.

Dự báo thị trường tuần tới
Nhìn từ phân tích kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm nhưng chưa đủ để vượt qua vùng đỉnh cũ 640,75 điểm được thiết lập ngày 03/09/2014. Đồ thị kỹ thuật hình thành mẫu hình Rising Window cho thấy tâm lý thị trường lạc quan trở lại. Hệ thống chỉ báo kỹ thuật tin cậy như MACD, RSI, ADX vẫn duy trì tín hiệu tương đối tích cực trong ngắn hạn. Do đó trong phiên tới các chỉ số có thể kiểm nghiệm ngưỡng kháng cự cao hơn 645-650 điểm với VN-Index và 86-87 điểm với HNX-Index. Mặc dù vậy, vùng 640+/- là vùng đỉnh của hai năm gần đây nhất do đó khả năng thị trường có thể xuất hiện rung lắc mạnh với biên độ dao động lớn. Trong đó, giá cổ phiếu sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua cũng đã trở lại vùng định giá và nhiều cổ phiếu đã “đắt đỏ” hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Trên cơ sở đó CLTT cho rằng giai đoạn có thể xuất hiện rung lắc mạnh quanh vùng điểm cao sẽ phù hợp với NDT nhạy sóng (Swing trader) với chiến lược bám sát thị trường. Điểm tích cực trong giai đoạn này là tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, thanh khoản thị trường duy trì khá tốt và thông tin KQKD Q2 được chờ đón là một trong những yếu tố hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Bên cạnh đó, sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu trụ cột là yếu tố chính giúp duy trì xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ: Bám sát diễn biến thị trường, cơ cấu lại danh mục
Về ngắn hạn, các cổ phiếu mua bắt đáy trong phiên ( 24/06) đã có lãi đáng kể, vì vậy áp lực chốt lời có thể tăng cao trong những phiên tới đây, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số đang tiến tới những vùng đỉnh cũ. Do đó, chúng tôi cho rằng đây là vùng điểm thuận lợi để NĐT trading ngắn hạn tiến hành chốt lời một số mã CP trong danh mục và chờ mua lại trong các nhịp điều chỉnh.
Đối với NĐT trung và dài hạn cần xem xét các CP cơ bản tốt, có khả năng KQKD tích cực trong quý 2/2016 bởi đây sẽ là nhóm CP thu hút dòng tiền sau các nhịp điều chỉnh của thị trường.

DANH MỤC THEO DÕI:
-       Xây dựng vật liêu: CTD, HBC, PDB
-       Khoáng sản: C32, DHA, KSB
-       BDS: VIC
-       Banks: VCB
-       Ô tô: HTL, SVC, TMT
-       Dệt may và homedeco: EVE
-       Thép: HSG, HPG
-       Dầu khí; GAS, PVD, PGD, CNG
-       Nhiệt điện: NT2
-       Kinh doanh vàng: PNJ
-       Vận tải & Du lịch: SKG, VNS
-       Hàng tiêu dùng: VNM, MWG, KDC
-       Gạch ốp lát: VCS, CVT, VIT
-       Nhựa & hóa chất: BMP, NTP, NET
-       CNTT: FPT, ELC
-       Cảng biển: DVP, VSC
-       Dược: DMC, DHG
 
-       Bảo hiểm: BVH, VNR

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang