Quay lại

Ngày đăng: 24/06/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•  Tuần qua thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ quan điểm của FED củng cố thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.719 điểm (+2,34%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 8.031 điểm (+2,71%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.950 điểm (+2,11%). Các cổ phiếu công nghệ có mức tăng vượt trội so với thị trường, các ngành khác như dịch vụ tiện ích cũng có mức tăng tốt. Trong khi đó lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên được giao dịch dưới 2,0% kể từ cuối năm 2016, khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Cổ phiếu ngành khai thác dầu khí cũng có diễn biến tích cực khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran khiến giá dầu tăng cao. 
•  Thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm khi các nhà đầu tư phấn khích vì quan điểm của ECB nghiêng về tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.407 điểm (+0,84%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.339 điểm (+1,87%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.528 điểm (+2,94%). Trong khi đó đồng euro giảm khoảng 1% so với đồng đô la Mỹ trong tuần. Sau tuyên bố của chủ tịch ECB Mario Draghi, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là -0.315%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Pháp đạt 0%, mức thấp nhất từ ​​trước đến nay.
•  Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng tăng điểm trong tuần với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở 21.258 điểm (+0,78%). Vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đồng yên đứng ở mức 107,57 Yên/đô la Mỹ, mạnh hơn một chút so với tuần trước. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm tích cực trong tuần, khi các nhà đầu tư kỳ vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 sắp tới sẽ khiến cả hai nước nối lại đàm phán thương mại đã bị đổ vỡ vào tháng trước. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.001 điểm (+4,2%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.473 điểm (+4,48%). Tâm lý đối với chứng khoán Trung Quốc cũng tăng sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng hạ lãi suất ngắn hạn lần đầu tiên kể từ năm 2008.
•  Kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng gần 5%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong năm tuần qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10%, mức tăng phần trăm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 12/2016. Trong khi sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran là yếu tố chủ đạo chi phối đà tăng của giá dầu trong tuần này, giới phân tích cho rằng cuộc họp sắp tới vào đầu tháng Bảy của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh nhằm đánh giá lại mục tiêu sản lượng, triển vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu xuống và vụ cháy nghiêm trọng ở nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Bờ Đông nước Mỹ cũng là những yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Bản tin phái sinh 24/06/2019 - Vị thế LONG chiếm ưu thế trong ngắn hạn
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang