Quay lại

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 772.000 tấn mủ cao su tươi và sơ chế, thu về 1,54 tỷ USD; tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su đang có xu hướng giảm, như tháng 6/2022 xuất khẩu đạt khoảng 180.000 tấn với kim ngạch 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng, song chỉ tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022. Trong khi đó, giá cả vật tư, nhiên liệu, phân bón, nhân công, thuê đất đều tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cao su.

Gánh nặng chi phí bào mòn tăng trưởng

Thống kê 13 doanh nghiệp cao su niêm yết trên thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm cho thấy, CTCP cao su công nghiệp (IRC) là doanh nghiệp duy nhất tiếp tục báo lỗ sau thuế 1,136 tỷ đồng trong quý II, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân không chỉ do doanh thu giảm chỉ bằng 36% so với cùng kỳ mà quan trọng hơn là giá vốn bán hàng cao hơn cả giá bán, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng dịch vụ âm gần 665,4 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, IRC lỗ hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 4 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, trong đó có 2 doanh nghiệp chịu áp lực từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng nhiều hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu. Đó là CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) báo lãi ròng giảm mạnh 21% về gần 84 tỷ đồng trong quý II, mặc dù doanh thu tăng 5% lên 1.205 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận sau thuế bán niên 2022 của DRC giảm 20,34 tỷ đồng, tương đương giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng cảnh còn có CTCP Cao su Bến Thành (BRC) với lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 37% so với cùng kỳ, đạt 7,84 tỷ đồng.

Mặc dù CTCP Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI) có doanh thu bán niên năm 2022 tương đương doanh thu cùng kỳ 2021, song lợi nhuận sau thuế của DRI giảm phân nửa, chỉ còn hơn 25 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá 50,49 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ.

Hay như CTCP Cao su Sông Bé (SBR) dù ghi nhận doanh thu quý II tăng mạnh hơn 3 lần so với cùng kỳ 2021 đạt 69,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ sản xuất kinh doanh mủ cao su tăng 5,388 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Song lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp từ hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê đất Khu công nghiệp Becamex Bình Phước giảm 7.103.353.441 đồng so với cùng kỳ năm trước. Hệ quả là lợi nhuận sau thuế quý II của SBR giảm 8,7 tỷ đồng còn 11,2 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tháng giảm 39% chỉ còn hơn 24 tỷ đồng.

Ít doanh nghiệp “tựa lưng” vào cao su

Đáng chú ý trong số 8 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ 2021, song chỉ một số dựa vào hoạt động sản xuất chính. Đó là CTCP Cao su Tân Biên với lợi nhuận sau thuế bán niên năm 2022 đạt 202 tỷ đồng, tăng 47,94% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản lượng cao su tiêu thụ tăng hơn 3.490 tấn, đưa tổng doanh thu và thu nhập khác tăng 33,57% đạt 632,8 tỷ đồng.

Trong khi CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) 6 tháng đầu năm cũng chịu ảnh hưởng từ giá bán bình quân giảm 7,40% còn 42,7 triệu đồng/tấn. Nên dù sản lượng tiêu thụ tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2021, song phải nhờ việc thanh lý cây cao su tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó lợi nhuận khác cũng tăng 29,67%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế bán niên của DPR mới đạt 33,39 tỷ đồng, tăng 63,81% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng chung nhóm này còn có CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 33,65 tỷ đồng, tăng 27,77% so với cùng kỳ.

Với các doanh nghiệp còn lại, phần tăng trưởng lại đến từ các hoạt động khác. Như CTCP Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) lãi ròng 6 tháng đầu năm đạt gần 2.123 tỷ đồng, tăng 35% chủ yếu đến từ việc tiết giảm chi phí tài chính, cùng lãi chênh lệch tỷ giá tăng từ 9 tỷ đồng lên 49 tỷ đồng và đẩy mạnh thanh lý cây cao su thu về hơn 239 tỷ đồng. Còn doanh thu từ mủ cao su và sản phẩm cao su lần lượt giảm 2% và 50% so với cùng kỳ 2021 còn hơn 3.245 tỷ đồng và 442 tỷ đồng. Giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp giảm 8%, còn 1.496 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lại tựa lưng vào đầu tư tài chính. Chẳng hạn như CTCP Cao su Thống Nhất (TNC), lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt 44,2 tỷ đồng tăng 80,7% so với cùng kỳ 2021 là do doanh thu hoạt động tài chính công ty, tăng 9,34 tỷ đồng so với quý II/2021; thu nhập khác tăng 17,85 tỷ đồng.

Hay như CTCP Cao su Bà Rịa (BRR), lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt hơn 66,93 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ năm ngoái 288,72% là do lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 29,8 tỷ đồng và từ lợi nhuận khác tăng 25,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi lợi nhuận hoạt động kinh doanh giảm 35 triệu đồng do giá bán giảm và sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như BRR CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 34,9% đạt 2,847 tỷ đồng là nhờ 9,62 tỷ đồng chia cổ tức. Còn lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh chính giảm 9,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 do giá bán mủ cao su bình quân thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 2,56 triệu đồng/tấn cùng chi phí đầu vào tăng cao, sản lượng mủ cao su khai thác thấp hơn.

Đặc biệt nhất là CTCP Cao su Phước Hoà (PHR). Triển vọng của doanh nghiệp này trong năm 2022 và 2023 chủ yếu từ tiền bồi thường dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và các dự án BĐS đang triển khai. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của PHR tăng 190,86 tỷ đồng (tương đương mức tăng 329,29%) so với cùng kỳ năm 2021 là do phát sinh khoản thu nhập từ bồi thường 289,405 tỷ đồng. PHR dự kiến sẽ ghi nhận 691 tỷ đồng tiền bồi thường trong năm 2022 và 207 tỷ đồng còn lại vào năm 2023. Việc PHR có tham gia góp vốn 20% tại dự án này cũng sẽ mang lại lợi ích lớn cho PHR trong cả dài hạn.

Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021 (hơn 13,8 triệu tấn). Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.

Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong nửa cuối năm 2022 vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cao su sẽ vẫn phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Cùng với đó là những thách thức trong dài hạn khi tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi với các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang