Quay lại
  • Lý do là lạm phát ở nhiều nước tăng, sức mua toàn cầu giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn khiến đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay, quý IV/2021, DN này dự báo thị trường dệt may thế giới năm 2022 sẽ phục hồi trở lại, thậm chí tốt hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Các DN dệt may đang thiếu đơn hàng cho cuối năm.

Các DN dệt may đang thiếu đơn hàng cho cuối năm.

Tuy nhiên, đến nay nhận định này đã phải thay đổi. Thị trường quý III và quý IV đang xấu đi, với giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh trong nửa đầu năm thì tốt nhưng nửa cuối năm đang đối mặt khó khăn.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng thị trường 6 tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là bởi lạm phát ở nhiều nước tăng, sức mua toàn cầu giảm sút, lượng hàng tồn kho khá lớn khiến đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Cùng với đó, giá bông nguyên liệu lại tăng gần 20% nên hàng dệt may Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước, cho hay, trước đây, DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1 đến 2 quý. Với những biến động thị trường hiện nay, giờ DN chỉ nhận được đơn đặt hàng trước 2-3 tháng.

Theo ông Phước, tình hình thị trường 6 tháng đầu năm khá khả quan, song nửa cuối năm đang chậm lại. Tháng 9, tháng 10 sẽ là “vùng trũng” của đơn hàng. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ tăng cao, xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này làm giảm nhu cầu mua sắm, đẩy khó cho tình hình xuất khẩu nửa cuối năm.

Hiện nhiều DN giày dép đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có DN bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, ông Nguyễn Hữu Phước chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, thông tin, những tháng cuối năm, đơn hàng đang giảm dần. Các tháng 8, 9, 10, đơn hàng giảm 30% so với cùng kỳ những năm trước.

Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, các DN thành viên cũng đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 thiếu. Nhiều DN do thiếu đơn hàng có thể phải dừng sản xuất.

Xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng sụt giảm mạnh, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, do thị trường nhập khẩu lớn Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Từ tháng 5, hầu hết thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Bangladesh, Đài Loan, Malaysia,... Đặc biệt, hai thị trường chính là Trung Quốc, Philippines đều giảm mạnh so với trước. Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) phản ánh, chi phí vận chuyển cao đã làm giảm lợi nhuận của các DN. Có những mặt hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. Chưa kể, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, châu Âu bắt đầu giảm.

Theo các DN, giá xăng dầu vừa qua giảm mạnh đã phần nào giảm áp lực chi phí vận tải. Tuy nhiên, chi phí đầu vào lại tăng cao 20-30% với nhiều ngành hàng, cùng nhu cầu tại nhiều thị trường lớn giảm, khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với khó khăn vào nửa cuối năm 2022.

Trước tình hình này, các DN đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động để bù đắp nhưng vẫn khó tránh khỏi khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm 2022 với tổng kim ngạch 56 tỷ USD. Kinh tế Mỹ suy thoái chắc chắn sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ ở mức 3-3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu và nhiều bất ổn, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam nửa cuối năm.

Các hiệp hội ngành hàng đề xuất ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp,... đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng để DN có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Cần thiết, phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ DN xuất khẩu.

Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế, phí, để giảm gánh nặng cho DN, hỗ trợ tìm kiếm nhà cung cấp tránh đứt gãy nguồn cung, đồng thời tạo thuận lợi cho DN bán hàng trong nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao trong 6 tháng đầu năm (bằng 66% so với dự toán), Chính phủ cần đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang