Quay lại

Đơn hàng chậm lại

Kinh tế Mỹ và EU đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 (kỳ báo cáo tháng gần nhất) đạt mức tăng 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981 trở lại đây.

Tương tự, tại châu Âu, theo số liệu được Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 29/7/2022, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của khu vực này đã tăng lên mức 8,9% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ khi khu vực này được thành lập vào năm 1999. Thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng và đây là mối quan ngại lớn với các nhà xuất khẩu vào hai thị trường này.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho biết, sức cầu tiêu dùng giảm ở một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu do ảnh hưởng của lạm phát đang tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Một số doanh nghiệp có số lượng đơn hàng đặt chậm lại, trong đó có TCM.

Theo ông Tùng, tính đến cuối tháng 7, TCM đã nhận đủ đơn hàng cho quý III và đã nhận khoảng gần 70% đơn hàng cho quý IV. Mỹ hiện là thị trường đóng góp 30,5% tỷ trọng đơn hàng của Công ty, trong khi châu Âu đóng góp 6,5%.

“Khả năng đơn hàng quý IV năm nay sẽ giảm từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông nói.

Thông tin tương tự được ghi nhận từ ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10).

Theo ông Việt, sức mua giảm là vấn đề đang diễn ra với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, nhiều công ty đang ghi nhận sản lượng đơn hàng chậm lại và điều này sẽ phản ánh rõ nét ở bức tranh kinh doanh quý III và quý IV của các doanh nghiệp trong ngành.

“Khách hàng cũng có sự thay đổi trong đặt hàng. Nếu như trước đây, các đơn hàng thường được đặt trước 6 tháng thì nay có thể chỉ đặt trước 3 tháng và điều chỉnh linh hoạt, bám sát nhu cầu thực tế”, ông Việt cho biết.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI được phát hành gần đây cũng nhận định, các doanh nghiệp mua hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.

Nếu như hai quý đầu năm 2022 là giai đoạn xuất khẩu nói chung, xuất khẩu dệt may nói riêng hưởng lợi từ sức cầu hồi phục mạnh trên thị trường thế giới thì bước sang quý III, tình hình bắt đầu thay đổi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu dệt may, theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0,4%.

Năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 22,3 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh sức cầu tại các thị trường lớn trên thế giới có xu hướng giảm thì để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành dệt may cần nhiều nỗ lực.

Áp lực mở rộng thị trường

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, bên cạnh sức cầu giảm ở thị trường Mỹ và EU, doanh nghiệp dệt may còn đối diện với nhiều khó khăn, đó là tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, hay yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi, xanh hóa dệt may từ các FTA…

Giá nguyên phụ liệu tăng cũng đang gây áp lực lên các doanh nghiệp ngành này. So với cùng kỳ năm ngoái, giá bông đã tăng hơn 19%, giá dầu thô tăng 40%, giá xăng trong nước tăng 67%, chi phí vận tải cao gấp ba lần so với bình quân 5 năm trở lại đây. Các yếu tố này làm tăng chi phí của các doanh nghiệp thêm khoảng 20-25%, khiến biên lợi nhuận mỏng hơn.

Chuyên gia phân tích SSI ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty dệt may sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI) và điều này sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.

Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp. Tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy thoái hoặc lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và “lượng đơn hàng trong quý IV có thể dần ổn hơn khi bước vào mùa mua sắm cuối năm”, nhưng Chủ tịch TCM cho rằng, “phải chờ đến hết quý III, khi có các dữ liệu cụ thể mới tính toán được mức độ ảnh hưởng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”.

Sáu tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu hơn 91,2 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 51% kế hoạch năm. Doanh thu của TCM đến từ 3 mảng chính trong đó sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 6% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,2 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt khoảng 48% kế hoạch cả năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận chậm hơn so với doanh thu. Việc hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận còn lại trong bối cảnh xuất khẩu kém thuận lợi so với nửa đầu năm có lẽ khá thách thức.

Mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng mới đang là hướng đi của các doanh nghiệp dệt may trước rủi ro sức cầu suy yếu tại hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và EU.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu chuyển sang khai thác thị trường Trung Đông, châu Phi.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 xác nhận: “Chúng tôi vẫn giữ thị trường truyền thống EU, Mỹ, nhưng trong ngắn hạn các thị trường này bị ảnh hưởng do áp lực lạm phát thì Công ty sẽ xoay chuyển mở sang các thị trường mới và có giải pháp tìm kiếm các đơn hàng mới”.

Cùng với việc tìm kiếm thị trường mới, May 10 cũng đang nỗ lực công ty cắt giảm chi phí để ứng phó với khó khăn.

Với kế hoạch kinh doanh 9 tháng, doanh nghiệp tự tin có thể hoàn thành, bởi 6 tháng đầu năm xuất khẩu tích cực và đơn hàng trong quý III cơ bản vẫn tốt. Tuy vậy, ba tháng cuối năm vẫn còn là ẩn số.

“Hiện nay, thị trường khó đoán định, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi linh hoạt, bám sát thị trường về cả thời gian và tình hình đơn hàng. Doanh nghiệp trong ngành cần có bộ phận chuyên bám sát thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp”, ông Việt nói.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang