Quay lại

Ngày đăng: 02/03/2020

TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của các thị trường chính trên thế giới, thậm chí độ nhạy của thị trường còn lớn hơn so với thị trường Mỹ hay Châu Âu. Với mức giảm 5,5% trong tuần vừa qua, ảnh hưởng từ Covid-19 đã xóa sạch thành quả của thị trường trong năm 2019 (tăng 7,7%) với mức giảm kể từ đầu năm đã là 8,2%,
Thanh khoản vẫn đang trong xu hướng tăng trong nhịp giảm vừa qua, giá trị khớp lệnh đạt trên 3.100 tỷ đồng, cao hơn so với mức bình quân kể từ đầu năm 2.800 tỷ đồng. Việc thanh khoản tăng trong nhịp giảm mạnh vừa qua là tín hiệu kỹ thuật không tích cực, xu hướng giảm có thể còn tiếp diễn
Khối ngoại là nhân tố kìm hãm thị trường khi liên tiếp bán ròng 5 tuần liên tiếp. Sau khi mua ròng trong tháng 1, khối ngoại đã quay lại bán ròng trong tháng 2 hơn 3.100 tỷ đồng. Tuần vừa qua, dòng tiền qua kênh ETF cũng bị rút ròng ở 3 quỹ lớn.
Về kỹ thuật, VN-Index đã tạo một nến có dạng Hammer sau khi về mức thấp nhất trong phiên là 872 điểm cho thấy tín hiệu tích cực bởi vùng đáy cũ gần nhất của 2019 là vùng 862 điểm đang ở khá gần. Đây cũng là vùng hỗ trợ quan trọng ứng với Fibonacci retracement 50% và các vùng đáy trước đó trong năm 2018-2019 đã phản ứng khá tích cực khi về sát vùng điểm này. Do đó, nếu về lại vùng này thì tương đương với mức VN-Index mất khoảng 12,72% (kể từ phiên 22/1) và khả năng sẽ có sóng hồi sau mỗi nhịp giảm khoảng 13% trở lên, chỉ số VN-Index sau đó thường hồi phục từ 10%-15%.
Về thời điểm, các tác động đến thị trường sẽ nhanh chóng giảm bớt khi các quốc gia hợp tác ngăn chặn được dịch bệnh nhất là kỳ vọng vào khả năng sớm kiềm chế dịch tại một số quốc gia mới bùng phát như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran, Mỹ… Về tính chu kỳ, giống như dịch Sars khả năng Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao trên 30 độ C và khả năng cao sẽ rơi vào tháng 6 đến tháng 7. Tuy nhiên, thị trường thường chứng khoán thường phản ứng sớm hơn do đó kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5.
Về định giá, mức PE forward về mức rất hấp dẫn đồng thời cũng là mức thấp nhất 6 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà và sát các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh.
Chiến lược đầu tư: Duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường trong ngắn hạn. Chỉ xem xét giải ngân thăm dò khi xuất hiện các đợt bán mạnh sát các vùng hỗ trợ 800-860 điểm và xuất hiện cầu bắt đáy sớm hoặc khi tín hiệu bán ròng của NĐTNN suy yếu. Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp....

Nhận định Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 02/03 – 06/03/2020: Kiểm nghiệm đáy kỹ thuật!
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang