Quay lại

Thị trường không có nhiều thay đổi trong tuần qua và hầu hết các chuyên gia vẫn giữ quan điểm sẽ kéo dài tình trạng đi ngang hiện tại.

Tuy nhiên vẫn có quan điểm bi quan hơn cho rằng tuy thị trường vẫn tăng giảm đan xen nhưng lực bán đang chiếm ưu thế và có khả năng rơi vào chu kỳ giảm và tín hiệu là VN-Index để mất ngưỡng 670 điểm.

Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đều không ước đoán thời gian kết thúc tình trạng lình xình giảm hiện tại, nhưng cho rằng cần những điều kiện tốt hơn để thị trường thay đổi. Các yếu tố gây ảnh hưởng như đợt tái cân bằng danh mục của hai quỹ ETF, khả năng FED tăng lãi suất, tình trạng bán ròng của khối ngoại vẫn đang là những ẩn số có thể gây tác động mạnh.

Chiến lược giao dịch vẫn không có sự thay đổi nhiều trong tuần qua, chủ yếu do điều kiện thị trường không cho phép. Tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu vẫn được duy trì ở mức trung bình, không mở vị thế mua mới hoặc chỉ giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu có sẵn.

Tăng mạnh đầu tuần và giảm mạnh cuối tuần, rốt cục VN-Index vẫn không vượt qua được 680 điểm. Tuy thế về cơ bản thị trường không khác nhiều với những phân tích của anh chị trong tuần trước. Theo anh diễn biến này sẽ còn kéo dài bao lâu và yếu tố gì có khả năng thay đổi được xu thế đi ngang hiện tại?

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MBS

Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và tích lũy, khối lượng giao dịch có xu hướng giảm giần cho thấy nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hơn là đưa ra các quyết định đầu tư ở giai đoạn này.

Với rất nhiều sự kiện diễn ra trong tháng 12 như việc FED khả năng sẽ tăng lãi suất, ETF cơ cấu lại danh mục, các quỹ đầu tư sẽ chốt NAV…sẽ là các yếu tố tác động đến xu hướng thị trường từ đây tới cuối năm.

Vì vậy, tôi cho rằng thị trường trong tháng 12 sẽ trở nên sôi động hơn và sẽ xuất hiện nhiều cơ hội “trading” hơn cho các nhà đầu tư lướt sóng.

Cổ phiếu VNM đang thu hút chú ý của thị trường khi liên tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh mẽ trong lúc thời điểm thoái vốn 9% đang đến gần. Có một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng đăng ký bán ra VNM nhưng khối lượng không đủ lớn để lý giải quy mô bán rất cao trong 2 tuần nay. Đang có những suy đoán về khả năng “đè giá” VNM xuống thấp khiến thị trường cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Anh đánh giá về hiện tượng VNM như thế nào?

Như chúng ta đã đề cập ở tuần trước, khối ngoại đang đẩy mạnh bán ròng ở hầu hết các mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn chứ không riêng gì VNM, chẳng hạn như VIC trong tuần rồi cũng bị bán ròng khá mạnh.

Hiện tại, có nhiều đồn đoán liên quan đến giá khởi điểm SCIC sẽ thoái 9% vốn tại VNM, trong đó các nhà đầu tư rỉ tai nhau về việc giá khởi điểm sẽ được xác định trên cơ cơ giá bình quân trên thị trường, từ đó suy đoán về khả năng VNM bị “đè giá”.

Tuy nhiên, trong chương trình giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VNM do SCIC tổ chức vào ngày 21/11/2016 không hề đề cập đến vấn đề này, vì vậy nhà đầu tư cần thận trọng với các thông tin chưa rõ ràng để tránh bị thiệt hại.

Riêng cá nhân tôi, mức giá VNM ở vùng 140 đã là giá trị hợp lý và việc các nhà đầu tư chốt lời là việc làm bình thường và câu chuyện thoái vốn cũng sắp đến hồi kết nên không còn quá hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Gần đến thời điểm hai quỹ ETF tái cân bằng danh mục và cũng đã có nhiều dự đoán về việc thêm cổ phiếu này, loại cổ phiếu kia. Tuy nhiên anh có thể cho biết thêm liệu các quỹ này sẽ bán ròng hay mua ròng, lượng vốn của các quỹ đang biến động theo chiều hướng nào thời gian gần đây?

Còn quá sớm để dự đoán hai quỹ ETF bán hay mua ròng trong kỳ review tháng 12 này vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phân bổ tỷ trọng cho thị trường Việt Nam, bản thân chứng chỉ quỹ niêm yết tại thị trường nước ngoài có bị rút vốn hay không…

Nếu giả sử trường hợp quy mô của các quỹ không thay đổi thì để có tiền mua các cổ phiếu mới đưa vào danh mục, các quỹ ETF buộc phải bán những cổ phiếu không còn thỏa tiêu chí  hoặc bán giảm tỷ trọng ở các mã cổ phiếu khác, khi đó giá trị mua bán sẽ khá cân bằng.

Riêng thời gian rồi, chứng chỉ quỹ thường xuyên bị “discount” sẽ là yếu tố bất lợi, có thể dẫn đến các quỹ này sẽ tiếp tục bán ròng trong kỳ cơ cấu để tái cân bằng danh mục.

Tuần trước anh phần lớn là nắm giữ dài và ít giao dịch. Chiến lược đó có thay đổi gì hay không?

Hiện tại tôi chưa thay đổi tỷ trọng nắm giữ và duy trì chiến lược trading các mã cổ phiếu có sẵn trong danh mục như HPG, HSG, REE. Đây là 3 cổ phiếu ưu thích của tôi cho giai đoạn từ đây tới cuối năm.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang