Quay lại

Mặc dù phiên cuối tuần thị trường điều chỉnh giảm từ đỉnh cao sát 900 điểm nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan.

Câu hỏi lớn lúc này là phiên giảm điểm cuối tuần qua chỉ là do hoạt động chốt lời bình thường, hay thị trường đã thực sự đạt đỉnh. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn cho rằng đó chỉ là phiên điều chỉnh kỹ thuật bình thường sau chuỗi ngày tăng liên tiếp.

Rung lắc ở giai đoạn hiện tại được xem là bình thường và các phiên biến động mạnh có thể diễn ra thường xuyên hơn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh thì việc thị trường tụt giảm mạnh ngay lập tức khó xảy ra, ít nhất thị trường cũng cần trải qua quá trình phân phối nhất định.

Điểm tích cực được các chuyên gia chỉ ra là dòng tiền vào thị trường rất mạnh và có sự lan tỏa tốt. Đây là thời điểm thị trường tiến tới vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 900 điểm. Tuy nhiên dư địa tăng của Vn-Index có thể vẫn còn với đích đến kế tiếp nằm tại vùng kháng cự 910-920 điểm.

Với quan điểm lạc quan, đa số chuyên gia đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua. Mức phân bổ vốn cao nhất là 80%.

Thị trường đã có một tuần tăng trưởng đột biến mạnh. Tuy nhiên mốc 900 điểm đã tuột khỏi tầm tay trong phiên cuối tuần. Anh đánh giá thế nào về phiên điều chỉnh cuối tuần, là một ngày chốt lời bình thường, hay dấu hiệu của một đỉnh ngắn hạn?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn - Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Tuần qua chỉ số Vn-Index tiếp tục có tuần bứt phá mạnh tiếp theo, biên độ giao động trong phiên cũng nới rộng ra. Dòng tiền vẫn tiếp tục phân hoá và tập trung nhiều ở các cổ phiếu có vốn hoá lớn, trong khi chỉ số tăng mạnh nhưng danh mục nhiều nhà đầu tư vẫn không tăng, thậm chí còn thua lỗ.

Những yếu tố trên cũng đang tạo ra tâm lý cẩn trọng, dè chừng và một phần tiếc nuối. Do vậy những phiên tăng mạnh giảm mạnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn với thị trường trong thời gian tới và việc chỉ số tăng mạnh rồi bị bán trở lại trong phiên cuối tuần qua theo tôi hoàn toàn là yếu tố tâm lý chốt lời bình thường.

Anh đã khá chính xác trong đánh giá về VNM tuần qua, cổ phiếu này tăng 5,4% và là một trong những cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất tới chỉ số VN-Index. Theo anh liệu thị trường sẽ vẫn dựa vào sức mạnh của các mã như VNM, VIC, VRE? Liệu có thể có nhóm cổ phiếu nào khác dẫn dắt thị trường?

Theo quan sát của tôi hiện tại chưa thấy dấu hiệu điều chỉnh trong nhóm các cổ phiếu trụ như VNM, VIC… Tuy nhiên tôi không kỳ vọng những cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh để kéo thị trường. Thay vào đó tôi đang kỳ vọng vào nhóm các cổ phiếu có câu chuyện ngắn hạn như FPT, nhóm "bank", nhóm dầu khí sẽ giúp thị trường vượt vùng cản tâm lý 900 điểm của vnindex.

Việc tôi kỳ vọng vậy bởi, thứ nhất việc VNM thoái vốn thành công hơn cả dự kiến sẽ kéo theo hiệu ứng tâm lý tốt với các cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn như FPT, BMP, VCG…

Thứ 2 là nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt trong quý 4 và năm 2018, nên có nhiều khả năng nhóm này sẽ có những phiên giao dịch bùng nổ để kéo thị trường (hy vọng là trong tuần này sẽ xảy ra điều đó).

Riêng với nhóm dầu khí rõ ràng chúng ta nhận thấy dòng tiền đầu cơ đã quay lại ở các cổ phiếu như PVD, PVS… ngoại trừ GAS là cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền đầu tư, nguyên nhân nhóm này hút được dòng tiền đầu cơ là bởi giá dầu thế giới đang tạo xu thế tăng trở lại, và khả năng giá dầu WTI sẽ vượt 60usd/thùng trong thời gian tới.

Thị trường đã trải qua 7 tuần tăng liên tục, đây là chuỗi tăng dài nhất và mạnh nhất kể từ đầu năm 2016. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường cũng đang ở mức kỷ lục chưa từng thấy, thậm chí vượt xa cả năm 2007. Rõ ràng là thị trường năm nay đang chuyển biến rất mạnh mẽ và tích cực. Nếu đưa ra cái nhìn dài hạn cho thị trường, anh đánh giá như thế nào?

Quan điểm của tôi đưa ra trong thời gian qua vẫn lạc quan về xu thế thị trường trong trung và dài hạn bởi sự ổn định và tăng trưởng trong nền kinh tế, cùng với đó là các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ và phát triển thị trường vốn.

Việc dòng tiền nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam bởi họ cũng có cái nhìn như tôi chia sẻ ở trên. Về điểm số tôi kỳ vọng vnindex sẽ quay lại chinh phục đỉnh cũ đã thiết lập năm 2007 trong năm sau.

Thị trường đã có một tuần tăng trưởng rất tốt đối với cả chỉ số lẫn cổ phiếu. Anh tăng tỷ trọng lên bao nhiêu? Nếu đặt cược trên thị trường phái sinh vào lúc này, anh chọn bên nào, Long hay Short?

Tỷ trọng hiện nay của Tôi vẫn là 70/30 trong đó 70% là cổ phiếu, 30% tiền còn lại để trading trên chính danh mục của mình trong những phiên thị trường chốt lời.

Hiện tại tôi vẫn chưa nhận thấy yếu tố nào để kéo thị trường giảm sâu trong ngắn hạn, do vậy chiến lược đối với thị trường phái sinh là nên ưu tiên vị thế Long, tuy nhiên do hiện tại đang có sự chênh lệch lớn giữa phái sinh và cơ sở, nên chiến lược phù hợp nhất lúc này là nên chờ Long khi thị trường có những phiêm giảm điểm mạnh.

Theo VnEconomy

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang