Quay lại

Ngày đăng: 31/03/2016

Thị trường tuần mới: Tích cực hơn nhờ hoạt động chốt NAV?
 
Thị trường đã xác nhận xu hướng điều chỉnh giảm sau khi đạt mức cao nhất 583.5 điểm và giảm trở lại luôn trong phiên không vượt được vùng kháng cự 580 điểm tương ứng vùng kháng cự mạnh MA200 theo đồ thị ngày. Vùng 580 điểm cũng là vùng kháng cự MA20 theo đồ thị tháng và trong 4 tháng gần đây điểm số của VN-INDEX đều nằm dưới vùng kháng cự này.
Nhìn từ đồ thị ngày,  việc VN-INDEX xuyên qua MA20 là một tín hiệu không tích cực về xu hướng, kết hợp với MACD Histogram tiếp tục giảm sâu về chu kỳ âm nên đợt điều chỉnh này sẽ còn diễn tiến thêm 1-2 tuần mới kết thúc. Với diễn biến ngắn hạn, chúng tôi cho rằng mức điều chỉnh ngắn hạn trong tuần tới là chưa mạnh và cơ bản thị trường vẫn dao động trong khung với cận dưới nằm khoảng 560-565 và cận trên 575-580.
Quan sát dòng tiền, chúng tôi nhận thấy dòng tiền tham gia thị trường và duy trì mức thanh khoản tốt trong thời gian qua phần lớn đến từ tiền nội, trong đó lực mua từ NDTNN là không đáng kể. Trong đó, dòng tiền cũng đã xoay vòng qua tất cả các nhóm cổ phiếu từ penny đến midcap và sàn Upcom tạo nên một đợt tăng giá khá tốt của nhóm cổ phiếu này so với mặt bằng chung trong khi điểm số thị trường dao động không nhiều. Đây chính là đặc điểm của dòng tiền trong thời gian qua và sự thiếu vắng dòng vốn ngoại chính là yếu tố khiến thị trường khó vượt cản để tạo nên một uptrend dài hơn như các sóng trước đây.
Nhìn từ phân lớp cổ phiếu, ngoại trừ một vài cổ phiếu đặc biệt thì đa phần các nhóm cổ phiếu từ Tài chính, bất động sản, cảng biển, dệt may…đều đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh giảm từ vùng đỉnh cao nhất được thiết lập trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức độ giảm giá vừa phải phần lớn do áp lực chốt lời chứ chưa có diễn biến nào đặc biệt.
Tuy nhiên, có một số nhóm cổ phiếu tăng chậm hơn và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng như nhóm nhiệt điện( NT2, BTP,PPC…), nhóm cổ phiếu dẫn đầu mức tăng giá bất chấp thị trường như CTD, BMP, CAV, TCL, HTL…, nhóm cổ phiếu Upcom như VEF, MSR, XPH…, nhóm cổ phiếu mới tăng gần đây như: LHG, FCN, CNG…Đây là những nhóm cổ phiếu đã thiết lập được trend tăng và có thể tiếp tục xu hướng tăng tiếp nhất là đối với những cổ phiếu tốt đứng đầu ngành.
Diễn biến thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn đang bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: (1). Thông tư 07 chính thức có hiệu lực khiến nhiều Ngân hàng dừng giải ngân mới tại một số CTCK. (2) Margin của nhiều CTCK lớn trên thị trường đều vượt đỉnh cũ về tăng trưởng dư nợ và ở mức khá cao. Với hai thông tin này, về mặt thực tế tác động tâm lý và kỳ vọng đang nhiều hơn tác động thực sự về dòng tiền. Việc thị trường không vượt được cản và ảnh hưởng thông tin cộng thêm áp lực chốt lời tạo ra lượng cung gia tăng tăng khiến thị trường giảm điểm.
Thêm một vài thông tin từ thế giới cần theo dõi trong ngắn hạn gồm có:
(1). Giá dầu WTI giảm trở lại và khả năng khó vượt cản mạnh MA200 tương ứng vùng 42.5 $/thùng
(2). Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đang điều chỉnh giảm trở lại sau đợt phục hồi mạnh nhờ giá dầu vừa qua.
(3). Hai quan chức chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết Fed có thể sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 04/2016, dựa trên những chỉ số lạc quan về nền kinh tế Mỹ bất chấp những rào cản từ nước ngoài.
(4). Tỷ giá USDCNH tiếp tục mất giá trở lại khá mạnh trong tuần qua trước đồn đoán tăng lãi suất vào tháng 4 tới của FED.
Về thị trường tuần tới, việc chốt NAV danh mục của một số quỹ ngoại có thể sẽ khiến một số cổ phiếu trụ cột(VIC, BVH, VCB, MBB…) được NDTNN đẩy mạnh mua vào do đó điểm số của thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động chứ chưa thể giảm nhiều. Tín hiệu mua ròng VIC, VCB vào phiên cuối tuần qua đã giúp các cổ phiếu tăng giá mạnh gián tiếp đưa VN-Index tăng trở lại sau khi giảm chạm hỗ trợ 565 điểm. Thị trường tuần tới có thể tiếp tục dao động trong khung với cận dưới nằm khoảng 560-565 và cận trên 575-580 và điểm số có thể được hỗ trợ từ lực cầu ngoại. Nhiều mã cổ phiếu lớn đã điều chỉnh về các vùng hỗ trợ mạnh do đó khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi phục nhẹ trong tuần này, tuy nhiên nếu không vượt qua cản mạnh 580 điểm vẫn xem xét là vùng bán cao trong giai đoạn này.
Giai đoạn này thị trường sẽ phân hóa mạnh, tuy thị trường có thể đi ngang sideway trong biên hẹp nhưng vẫn sẽ có nhóm giảm mạnh hơn thị trường và chúng tôi cho rằng phần lớn sẽ rơi vào nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng vốn nhiều, cổ phiếu penny, vay mượn nhiều từ nguồn margin từ ngân hàng do đó NDT nên tránh xa những nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.
Chúng tôi vẫn cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù ngắn hạn chưa nhiều nhưng vẫn sẽ rõ nét trong một vài tuần tới. Dòng tiền thị trường năm nay sẽ tiếp tục phân hóa và chỉ tập trung vào một số nhóm chính như: (1). Cơ bản tốt, đầu ngành, cổ tức tốt, EPS cao (2). Nằm trong danh sách thoái vốn SCIC, (3). Có các catalyst riêng, (4) và đã xác lập được xu hướng tăng trung hạn, do đó chúng tôi cho rằng đây là nhóm cổ phiếu tiếp tục nên nắm giữ và có thể tăng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh.
Hành động:
Duy trì quan điểm thận trọng, bán cổ phiếu đã có lời, không dùng margin, giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn và chờ mua lại cổ phiếu tốt ở các vùng hỗ trợ mạnh như 550-565. Không vội mua đuổi trong các đợt tăng điểm trong phiên tránh dính bulltrap.
Tận dụng nhịp điều chỉnh cơ cấu lại danh mục, với danh mục tập trung vào các nhóm cổ phiếu Bluechip nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC(BMP, VNM, FPT…), Cổ phiếu dệt may với catalyst từ TPP, cổ phiếu nhiệt điện, cổ phiếu EPS cao cổ tức tốt như danh mục chúng tôi tư vẫn với các đặc điểm chúng tôi nêu trên.
Về danh mục
Ngân hàng và bảo hiểm (VCB, MBB, BVH, PVI…): khả năng sẽ nhận được lực cầu hỗ trợ từ NDTNN trong thời điểm kéo NAV vào tuần tới. Do đó NDT chú ý theo dõi để trading với nhóm này. Với VCB vùng mua quanh 41.5-42 vùng bán từ 43.5-44.

Với các cổ phiếu đã thiết lập được trend tăng như CTD, BMP, VNM, PTB, FPT, VCS, KSB, EVE, DMC…chúng tôi khuyến nghị NDT tiếp tục mua và nắm giữ, gia tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh.
 
Đối với dòng P*, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm chốt lời dần với cổ phiếu dầu khí như trong các bài viết gần đây nhất là khi giá dầu khó vượt vùng 40-42$/thùng và giảm trở lại. Trong đó GAS, PVD, PVS…cũng đã điều chỉnh giảm như dự báo và do đó NDT vẫn tiếp tục xem xét bán nếu nhóm dầu khí hồi phục giá trong tuần này.
 
Nhóm cao su(DPR, PHR...) NDT đã chốt lời xem xét mua lại quanh các vùng giá tốt, DPR xem xét mua lại ở vùng 34-36, PHR xem xét mua lại từ 17 -19.
 
Nhóm nhiệt điện, như khuyến nghị của chúng tôi vào tuần trước, tiếp tục mua và nắm giữ với hai mã NT2 và BTP, xem xét tăng tỷ trọng tại PPC. Cả 3 mã bắt đầu thiết lập được kênh tăng giá khá tốt, xem xét tăng tỷ trọng vào các nhịp chỉnh của thị trường.
 
Cổ phiếu nhóm ngành thép (HSG, HPG...) chúng tôi đã khuyến nghị chốt lời trong 2 tuần trước và tuần này xem xét mua trong các nhịp chỉnh với HSG trong vùng 30-32, HPG trong vùng 26.5-28.
 
Nhóm khoáng sản(KSB, MSR…): KSB chúng tôi vẫn duy trì quan điểm mua khi giá điều chỉnh trong khoảng giá 38-41, mục tiêu giá trung hạn 54. Riêng MSR đã đã vượt qua mức giá kỳ vọng của chúng tôi do đó chúng tôi xin khuyến nghị NDT xem xét chốt lời một phần hoặc tiếp tục nắm giữ.
 
Nhóm săm lốp, DRC chia cổ tức khá tốt do đó NDT xem xét mua quanh vùng 41-43 trong các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giá ngắn hạn 48. CSM xem xét chờ mua quanh vùng giá 24-26
 
Nhóm hàng tiêu dùng như EVE, MWG tiếp tục mua và nắm giữ cho chu kỳ dài hơn trong sóng này. Riêng tiếp tục mua trong phiên chỉnh với vùng giá kỳ vọng 32-34. Đối với MWG mua tích lũy quanh vùng giá 75-78.
 
Nhóm ngành Dược: DMC, DHG… Tiếp tục xem xét mua và nắm giữ.
 
Nhóm ngành Cảng biển: DVP, VSC...Tiếp tục xem xét mua trong nhịp chỉnh và nắm giữ cho trung hạn
 
Nhóm ngành Dệt may: TNG, TCM…xem xét mua gom dần với TNG quanh vùng giá 16-18, TCM mua dần trong vùng giá 26-28 cho mục tiêu trung hạn.
 
Nhóm VLXD( CVT, VHL, VIT, VCS…) Tiếp tục xem xét mua và nắm giữ, tăng tỷ trọng trong những phiên điều chỉnh.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang