Quay lại

Ngày đăng: 21/03/2016

Thị trường tuần mới: Khuyến nghị chốt lời, khả năng thị trường có thể diễn ra điều chỉnh!

1. Thị trường vẫn dao động tích lũy quanh vùng dao động hẹp 570 - 580 và với dòng tiền ngắn hạn khả năng vượt kháng cự 580 điểm (MA200) là khá khó khi 3 lần chạm vùng kháng cự này đều bật trở lại. Trong đó, dòng tiền không lan tỏa vào Bluechip mà chỉ tập trung chọn lọc ở nhóm Midcap và Penny khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm này phục hồi giá mạnh kèm thanh khoản sôi động. Ngoại trừ tín hiệu bứt phá mạnh của VNM vào phiên cuối tuần, còn lại các bluechips khác như VIC, MSN, GAS...đều chịu áp lực điều chỉnh kéo lùi đà tăng của VN-INDEX. Điều này sẽ khiến áp lực chốt lời những cố phiếu tăng trưởng tốt diễn ra trong ngắn hạn nhất là khi index chưa thể vượt được vùng kháng cự kỳ vọng. Dòng tiền cần thời gian tích lũy trước khi có dòng thực dẫn dắt vượt vùng cản mạnh này.
 
2. Đà phục hồi của giá dầu là yếu tố nền tảng giúp thị trường chứng khoán thế giới phục hồi trở lại trong thời gian qua. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã có nhịp phục hồi mạnh theo giá dầu trước khi chịu áp lực chốt lời vào tuần vừa qua. Ngắn hạn, giá dầu đã có mức phục hồi đáng kể chủ yếu đến từ các yếu tố như: (1) Các nước xuất khẩu dầu mỏ đạt được thỏa thuận về đóng băng sản lượng (2) Nguồn cung dầu từ OPEC và dầu đá phiến của Mỹ suy giảm đáng kể (3) Kỳ vọng chính sách kích thích kinh tế và kỳ vọng khả năng hồi phục tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Do đó, để giá dầu có thể vượt ngưỡng cản mạnh 40$/thùng nếu không có thêm thông tin hỗ trợ là khá khó khăn. Chúng tôi cho rằng đợt hồi phục của giá dầu lần này có thể sẽ không kéo dài và do đó đây chính là thời điểm để chốt lời cổ phiếu dầu khí trong nhịp hồi phục này.
 
3. Tuần tới việc các quỹ ETF tái cơ cấu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chỉ số VN-INDEX thông qua áp lực bán giảm tỷ trọng tập trung vào nhóm cổ phiếu Bluechips: VIC, MSN, BVH...Với tín hiệu tích lũy trong thời gian qua và không hề tăng so với xu hướng chung, áp lực cung ngắn hạn này có thể khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có nhịp điều chỉnh giá ngắn hạn qua đó có thể ảnh hưởng khiến chỉ số có thể có nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Tương quan cùng thời điểm này vào tháng 3/2015, thị trường cũng có nhịp điều chỉnh tại vùng này trước khi hồi phục nhịp thứ 2 chạm đỉnh ngắn hạn 600 điểm sau đó đi xuống khoảng 2 tháng.
 
4. Thị trường thận trọng trước kỳ họp của Fed vào tuần tới: Lạm phát lõi ở Mỹ đã tăng trở lại , core CPI của Mỹ vượt mức 2% và nếu giá dầu tiếp tục hồi phục sẽ là một trong những nhân tố tích cực tác động giúp Core CPI của Mỹ tiếp tục tăng trở lại. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần trước giảm mạnh hơn dự đoán xuống mức thấp nhấ kể từ tháng 10/2015, cho thấy thị trường lao động vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và xua tan lo ngại về suy thoái kinh tế. Fed tuyên bố sẽ vẫn giữ lộ trình nâng lãi suất từ từ trong năm nay, nhưng quyết định sẽ tùy thuộc vào số liệu kinh tế. Phiên họp chính sách Fed sẽ diễn ra vào 15-16/3 tới đây. Tuy nhiên theo khảo sát của Bloomberg khả năng Fed vẫn sẽ giữ chính sách như hiện tại tức chưa đưa ra quyết định tăng lãi suất trong tháng 3 này. 

Đáng chú ý trong tuần qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất tiền gửi từ -0,3% xuống -0,4% và mở rộng chương trình mua tài sản từ 60 tỷ euro lên 80 tỷ euro/tháng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực eurozone.Tuy nhiên, trong buổi họp báo sau phiên họp, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB không áp dụng lãi suất tiền gửi theo bậc vì không muốn phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ có thể được cắt giảm hơn nữa. Lần đầu tiên sau kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Eu bắt buộc phải sử dụng chính sách cuối cùng là lãi suất âm, biện pháp cuối cùng nhằm kích thích kinh tế nhưng cũng có thể gây ra nhiều bất ổn hơn cho thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu nếu nó không đạt được mục tiêu đề ra.
 
5. Đối với tuần tới, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về chỉ số và có thể thị trường sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong trường hợp dòng tiền ngắn hạn không đủ sức giúp VN-INDEX vượt vùng cản mạnh trung hạn MA200 tại 580 điểm. Chúng tôi đưa ra 2 kịch bản cho tuần này ứng với các kịch bản là các hành động ứng xử cho phù hợp với thị trường hiện tại:
Kịch bản lạc quan: Thị trường vượt vùng kháng cự mạnh 583 điểm(tương ứng MA200) và sau đó tích lũy đi lên vùng 600 +/_ trong 2 tuần tới. Với kịch bản lạc quan này, chúng tôi cho rằng NDT tiếp tục nên mua và nắm giữ cổ phiếu tốt, xem xét mua tại các nhịp chỉnh trong phiên. Mua và tăng mạnh tỷ trọng nếu chỉ số vượt 585 điểm.
Kịch bản thị trường điều chỉnh: Trong trường hợp vùng kháng cự dao động giữa 575-583 điểm không vượt được, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kéo dài khoảng 2 tuần sau đó tiếp tục đi lên. Vùng hỗ trợ mạnh nếu điều chỉnh diễn ra là 555-565 điểm. Với kịch bản này, xem xét chốt lời các cổ phiếu có lãi nếu áp lực bán gia tăng mạnh tại các vùng kháng cự diễn ra. Xem xét mua lại khi thị trường điều chỉnh về cận dưới tại vùng dao động tích lũy quanh mức 555-565 điểm. Khả năng điều chỉnh khi test kháng cự có thể diễn ra nhưng là cơ hội mua cho trung hạn.

Xu hướng ngắn hạn là phục hồi nhưng tâm lý vẫn còn thận trọng, cổ phiếu phân hóa. Tháng 3 tháng 4 là thời điểm ra báo cáo Q1, DHCD, và tin chốt cổ tức của các doanh nghiệp là yếu tố tích cực. Tuy nhiên, yếu tố nhiễu động từ kỳ review của hai quỹ ETF diễn ra cùng với áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Vì thế khuyến nghị chung của chúng tôi là NĐT xem xét chốt lời và hạn tỷ trọng cổ phiếu trong tuần này, chỉ xem xét mua vào tăng tỷ trọng khi (1) thị trường vượt kháng cự 580 với thanh khoản cao hoặc (2). Thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 560-565 điểm.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang