Ngày đăng: 28/06/2019
NỘI DUNG
• Trữ lượng dầu khí của Việt Nam được dự báo sụt giảm trong những năm tới do sự sụt giảm tự nhiên và thiếu hụt nguồn khai thác mới. Hoạt động khai thác tại khu vực biển Đông có thể đem lại nguồn tài nguyên mới, tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
• Sản lượng khai thác dầu Việt Nam giảm liên tục 10%/năm từ 2016. Tuy nhiên, việc thăm dò khai thác mỏ mới diễn ra rất chậm. Một trong những nguyên nhân đến từ áp lực nguồn vốn đầu tư. Giải pháp trước mắt là PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí) sẽ chuyển nhượng bớt cơ cấu vốn trong một số DA cho các đối tác nước ngoài. Cụ thể, T5/2019, PVEP ký thỏa thuận chuyển nhượng một phần quyền lợi tham gia của PVEP tại Dự án Lô 09-2/09 (mỏ Kình Ngư Trắng, bể Cửu Long, sản lượng dự kiến 16,000 thùng dầu/ngày, 6% sản lượng dầu VN) cho Công ty Zarubezhneft (30%) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (40%, nhà điều hành).
• Triển vọng của mảng khí tự nhiên tích cực hơn mảng dầu, đến từ nhiều dự án mới và các chính sách năng lượng sạch. Chúng tôi dự phóng sản lượng khí Việt Nam tăng trưởng 7%/năm trong 2 năm 2021 và 2022 từ dự án mỏ khí Sao Vàng Đại Nguyệt và sẽ tăng đáng kể 42% so cùng kỳ vào năm 2024 sau khi dự án Lô B – Ô Môn được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sự gia tăng này không đủ đáp ứng nhu cầu khí, vì vậy hoạt động nhập khẩu sẽ được triển khai song song. Với dự án LNG Thị Vải ở Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024, Việt Nam sẽ lần đầu tiên nhập khẩu khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng).
• PVN và các công ty con tiếp tục giữ vững vị trí chủ chốt trong ngành năng lượng Việt Nam, dù Chính phủ đã có những động thái thúc đẩy cổ phần hóa trong ngành. PVN nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 74 nghìn tỷ đồng trong 2018, chiếm 5% tổng thu ngân sách. Những năm gần đây, PVN đang thực hiện tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo. Chúng tôi kỳ vọng quá trình này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 để tạo nền tảng ổn định cho ngành phát triển trong những năm tiếp theo.