Ngày đăng: 30/11/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ phục hồi sau đợt bán tháo mạnh vào ngày 26/11, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc phong tỏa kinh tế để đối phó với biến thể Covid-19 Omicron hiện không cần thiết. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones tăng 236,6 điểm (+0,68%) lên 35.135,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,3% lên 4.655,27 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,9% lên 15.782,83 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 lùi 0,2% xuống 2.241,98 điểm. “Nếu người dân tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang, thì không cần phong tỏa”, ông Biden nói trong một cuộc họp báo vào ngày thứ Hai. Ông Biden cũng cho biết sẽ không có những hạn chế mới về du lịch. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, đã giảm vào ngày thứ Hai sau khi tăng 10 điểm vào ngày 26/11. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã phục hồi trên mức 1,5% vào ngày thứ Hai sau khi dòng tiền đổ vào kênh trú ẩn an toàn vào ngày 26/11 khiến nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu và làm lợi suất giảm. Giá thường di chuyển ngược chiều với lợi suất. Một số cổ phiếu ngân hàng, như Wells Fargo và PNC Financial, đã khởi sắc nhờ lợi suất trái phiếu tăng.
- Giá dầu khởi sắc vào ngày thứ Hai khi nhà đầu tư cho rằng đợt bán tháo mạnh vào ngày 26/11, vốn xảy ra do lo ngại rằng biến thể Covid-19 mới Omicron sẽ làm giảm nhu cầu các sản phẩm dầu mỏ, đã kết thúc. Khép lại phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI tiến 1,80 USD (+2,6%) lên 69,95 USD/thùng. Hồi đầu phiên, hợp đồng này dao động ở mức cao 72,93 USD/thùng, mặc dù sau đó giảm xuống trong phiên và không thể giữ được mốc quan trọng 70 USD/thùng. Dầu WTI đã “bốc hơi” 13% vào ngày 26/11, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng dầu WTI cũng khép phiên rớt mốc trung bình động 200 phiên – một chỉ báo kỹ thuật quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Hợp đồng dầu Brent cộng 0,99% lên 73,44 USD/thùng. Hợp đồng này đã sụt 11,55% vào ngày 26/11, và cùng dầu WTI ghi nhận 5 tuần giảm liên tiếp. Ngay trước khi giảm mạnh vào ngày 26/11, giá dầu đã có xu hướng suy yếu sau khi dầu WTI chạm đỉnh 7 năm trên 85 USD/thùng vào tháng 10/2021. Dầu Brent ghi nhận mức cao nhất trong 3 năm vào tháng trước. Diễn biến trồi sụt của dầu diễn ra trước khi có cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, tại đó nhóm OPEC+ sẽ đưa ra quyết định về chính sách trong tháng 01/2022.
- Giá vàng giảm trở lại trong phiên vừa qua, tiếp tục xu hướng giảm ở thời gian gần đây do USD mạnh lên và nhà đầu tư ‘khôi phục’ tâm lý chuộng tài sản rủi ro giữa bối cảnh các thị trường xem xét tác động của virus biến thể Omicron nghiêm trọng đến mức nào. Giá vàng giao ngay đã giảm 0,4% xuống 1.784,80 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,2% xuống 1.782,30 USD. Thị trường thế giới bình tĩnh trở lại sau đợt bán tháo vào cuối tuần trước tháo tuần trước - được thúc đẩy bởi việc phát hiện ra biến thể mới khiến một số quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới. Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát các mốc thời gian mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất. Triển vọng lãi suất của Mỹ tăng tiếp tục gây áp lực giảm giá vàng.