Những thông tin về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD cuối tuần tới tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Mặc dù thị trường tuần qua vận động tốt hơn dự báo của các chuyên gia, nhưng quan điểm thận trọng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Thanh khoản sụt giảm đã được dự báo từ trước đó khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Điều này có thể thấy được ngay trong chiến lược giao dịch của các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn: giữ nguyên tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức thấp, thậm chí cắt giảm trước những biến động lớn có thể xảy ra trong tuần tới.
Đánh giá về mức độ tác động tiêu cực lên thị trường trong trường hợp FED sẽ tăng lãi suất, các ý kiến đều nhìn nhận về rủi ro tác động xấu trong ngắn hạn. Tuy nhiên mức độ tác động và quan ngại là khác nhau. Hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường sẽ là dấu hiệu quan trọng.
Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu lớn tăng tốt nhất tuần này và là nguyên nhân quan trọng giúp VN-Index không điều chỉnh về vùng hỗ trợ thấp hơn. Anh có kỳ vọng nhiều vào nhóm cổ phiếu này hay không? Liệu có nhóm cổ phiếu nào khác khả dĩ thay thế, chẳng hạn hiện tượng cổ phiếu bất động sản nóng lên vào ngày cuối tuần?
Ông Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MB (MBS).
Tôi đánh giá rất cao triển vọng của nhóm ngân hàng đầu ngành từ đầu năm 2015 và cho đến giờ vẫn tiếp tục giữ quan điểm này.
Tuy nhiên, triển vọng tích cực đó đã phản ánh vào sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đầu ngành từ đầu năm đến nay (P/B hiện tại của các cổ phiếu VCB, BID, CTG hiện đều đã ở mức cao hơn mức trung vị P/B của các ngân hàng trong khu vực).
Trong số các ngân hàng nhóm dẫn đầu, MBB là cổ phiếu ngân hàng còn lại định giá vẫn còn khá rẻ (P/B chỉ ở mức 1.0x, của một ngân hàng có lợi thế cạnh tranh rõ rệt và chỉ số cơ bản vượt trội).
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, do yếu tố mùa vụ, 2 quý cuối năm thường là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm. Tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự kì vọng của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này từ đây đến cuối năm.
Tuần này đã có thêm khá nhiều bình luận, phân tích về khả năng tăng/không tăng lãi suất của FED trong kỳ họp cuối tuần tới dựa trên những số liệu mới. Anh đánh giá các khả năng này như thế nào? Trong trường hợp xấu, FED tăng lãi suất, thị trường có chịu tác động lớn?
Các báo cáo nghiên cứu về khả năng tăng lãi suất của FED trong kỳ họp cuối tuần tới đang nghiêng về hướng FED tạm thời sẽ chưa tăng lãi suất tại thời điểm này, do lạm phát vẫn ở mức khá thấp so với lạm phát mục tiêu.
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn thường thận trọng trước thời điểm nhạy cảm như sự kiện này.
Trong trường hợp FED tăng lãi suất, đặt trong bối cảnh sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế và cả dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi, thị trường Việt Nam khó tránh khỏi bị tác động bất lợi cả về yếu tố tâm lý và yếu tố thực tế dòng tiền của khối ngoại.
Thanh khoản tuần này tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng chứng tỏ nhà đầu tư rất ít giao dịch. Anh có tiến hành giao dịch mới hay không, mức phần bổ vốn có gì thay đổi?
Nhà đầu tư có lý do để thận trọng trước thời điểm nhạy cảm (cuộc họp sắp tới của Ủy ban FOMC, thuộc FED), và sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực.
Trên quan điểm thận trọng trước những thời điểm nhạy cảm, tôi tạm thời chốt lãi một số cổ phiếu trong danh mục đã tăng giá trong 2 tuần vừa rồi và giảm tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt xuống ở mức 20/80.
Tôi sẽ xem xét lại cơ hội/rủi ro sau cuộc họp của Ủy ban FOMC, FED vào giữa tháng này.
Theo VnEconomy