Quay lại

Cổ đông của MBS cũng như nhà đầu tư trên TTCK đã rất vui mừng khi Công ty báo lãi trước thuế 138 tỷ đồng sau 6 tháng, hoàn thành 86% kế hoạch năm 2018. Liệu quý III này cũng như 6 tháng cuối năm, MBS có tiếp tục mang đến thị trường những kết quả khả quan từ các hoạt động kinh doanh của Công ty không, thưa ông?

Mặc dù chưa kết thúc quý III, nhưng kết quả kinh doanh của MBS trong quý này dự kiến sẽ tiếp tục đạt những kết quả tốt, vượt sự kỳ vọng của thị trường, tiếp tục tăng trưởng dương so với quý II như mục tiêu của Công ty đã đặt ra.

Đầu tiên, ở mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), trong quý III, MBS đã hoàn thành nhiều giao dịch với doanh thu và lợi nhuận cao, tăng mạnh so với quý II liền trước.

Việc vừa có một đội ngũ IB thiện chiến, vừa là công ty chứng khoán thuộc Top 5 và đồng thời là công ty thành viên của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt về cả đầu vào và đầu ra cho mảng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai, về mảng môi giới dịch vụ chứng khoán, mặc dù tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý III có xu hướng giảm, nhưng thị phần của MBS lại có sự cải thiện đáng kể, ước tính tăng 10% so với thời điểm cuối quý II.

Cùng với việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ trong hoạt động dịch vụ tài chính, MBS luôn đặt mục tiêu gắn việc tăng trưởng dịch vụ tài chính với tăng trưởng thị phần môi giới, đảm bảo doanh thu môi giới có sự tăng trưởng.

Dự kiến, trong quý IV, MBS sẽ vẫn tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khả quan. Mặc dù đã vượt đích kế hoạch kinh doanh cả năm ngay trong quý III này, nhưng trong quý IV, chúng tôi sẽ tiếp tục có những chương trình thi đua nội bộ, nhằm tạo động lực cho đội ngũ kinh doanh cùng với đó là những gói hỗ trợ, khuyến khích khách hàng là nhà đầu tư cá nhân để tiếp tục tăng thị phần môi giới của MBS trên cả hai sàn chứng khoán.

Ngoài ra, mảng IB vẫn sẽ tiếp tục là điểm sáng khi MBS đang tiếp tục triển khai nhiều hợp đồng tư vấn với giá trị lớn và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV. 

Nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng, chứng khoán Việt đang ở giai đoạn nhiều rủi ro khi không thể lường được tác động của những diễn biến bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay khả năng Fed tăng lãi suất… Xin ông chia sẻ dự báo của ông về triển vọng TTCK cuối năm 2018? Liệu có thể kỳ vọng TTCK sẽ đón một con sóng lớn, chạm lại đỉnh 1.200 điểm khi các doanh nghiệp niêm yết chủ chốt trên sàn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan cuối năm không, thưa ông?

Phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, có nhiều yếu tố rủi ro từ bên ngoài đã tác động tiêu cực đến TTCK trong nước, tuy nhiên, chúng tôi đánh giá tích cực triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm.

Triển vọng này dựa trên sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế đều dự báo sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan, vượt kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền ngoại cũng được kỳ vọng sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam. Những động lực này sẽ giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về thị trường, dự báo trong quý IV, tình hình thị trường sẽ tốt hơn 2 quý trước đó. 

Từ năm 2017 đến nay, một số công ty chứng khoán Việt được bán cho các ông chủ ngoại, là các tập đoàn tài chính nước ngoài và khối công ty này đang được rót nguồn tài chính lớn và có thể cả các nhân sự chuyên nghiệp để cạnh tranh giành thị phần trên TTCK Việt. MBS chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh với những nhân tố mới đang và sắp xuất hiện này?

Việc thị trường Việt Nam có thêm các tổ chức, tập đoàn tài chính nước ngoài tham gia là một điều tích cực cho cả thị trường, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán nội địa.

Thứ nhất, việc có sự góp mặt của các tổ chức tài chính quốc tế vào thị trường sẽ giúp thông tin của các doanh nghiệp minh bạch hơn. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.

Thanh khoản cải thiện, các thương vụ M&A, IB tăng vốn, phân phối trái phiếu sẽ dễ dàng thực hiện hơn vì có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thứ hai, “miếng bánh” trên thị trường Việt Nam còn rất lớn, hoàn toàn đủ cho cả công ty trong và ngoài nước phát triển.

Vốn hóa toàn thị trường mới chỉ khoảng 75% GDP trong khi các thị trường Đông Nam Á khác như Philippines, Thái Lan đều trên 100% GDP. Số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng gần 2 triệu trên tổng số hơn 90 triệu dân.

Vì vậy, việc có thêm nhiều tổ chức quốc tế tham gia TTCK Việt Nam sẽ có lợi hơn cho các công ty chứng khoán khác, thay vì là bất lợi.

Có một điều rất quan trọng khác, thể hiện việc các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm đến Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích các công ty chứng khoán trong nước nói chung hay MBS nói riêng, đó là không phải năm 2018 mới có các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam mà những tổ chức như JP Morgan, Credit Suisse, Deutsche Bank… đã tham gia vào thị trường từ rất nhiều năm trước, nhưng chưa có những thành tựu nổi bật đáng chú ý.

Doanh nghiệp ngoại không thể hiểu hết về các yếu tố văn hoá, chính trị Việt Nam như những doanh nghiệp trong nước, vì vậy, lựa chọn tốt nhất với các tổ chức tài chính nước ngoài là chọn hợp tác với một đối tác trong nước để có thể tham gia vào thị trường.

Điều này rất có lợi cho MBS khi chúng tôi vẫn luôn rộng cửa chào đón những đối tác nước ngoài để học hỏi thêm họ về khả năng quản trị, tư vấn. Trong quá khứ, cũng đã có một vài đối tác lớn ngỏ lời với MBS về khả năng hợp tác, nhưng thời điểm khi đó chưa thực sự thích hợp như hiện nay nên mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ. 

Theo ông, đâu là những yếu tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh của một CTCK trên thương trường?

Theo tôi, những yếu tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh của một CTCK trên thương trường bao gồm:

Thứ nhất là nguồn lực con người. Bản chất các công ty chứng khoán là kinh doanh dịch vụ, nên yếu tố nhân sự chính là tài sản quan trọng nhất của các công ty.

4 yếu tố quyết định sức cạnh tranh của một CTCK trên thương trường bao gồm: nguồn lực con người; năng lực tài chính; chính sách kinh doanh và tốc độ

Một đội ngũ nhân sự tốt sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh môi giới thông qua khả năng khuyến nghị cơ hội đầu tư chính xác và khả năng tiếp cận, làm hài lòng khách hàng.

Ngoài ra, yếu tố nhân sự sẽ giúp hoạt động tự doanh chứng khoán có thể tìm được các cơ hội đầu tư tốt hơn và hoạt động tư vấn doanh nghiệp sẽ tìm được các hợp đồng có lợi nhuận tốt.

Thứ hai là năng lực tài chính. Do ngành chứng khoán có giới hạn tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu, nên nếu vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán thấp thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Thứ ba là chính sách kinh doanh và khẩu vị rủi ro. Trong ngành tài chính thì mọi yếu tố liên quan đến lợi nhuận đều tiềm ẩn rủi ro. Rủi ro ở đây đến từ cho vay ký quỹ và các khoản đầu tư chứng khoán. Nhận thức được rõ rủi ro mình gặp phải và quản trị nó một cách hợp lý chính là cách để tồn tại lâu dài trên thị trường.

Có một số công ty sẽ có chiến lược chấp nhận rủi ro lớn, qua đó tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ và nổi bật trên một thị trường tăng điểm. Những công ty chấp nhận rủi ro thấp hơn thì có tăng trưởng chậm so với cùng ngành, nhưng sẽ an toàn khi thị trường đi vào suy thoái.

Yếu tố cuối cùng, nhưng là yếu tố quan trọng không kém chính là tốc độ, tốc độ về việc đưa ra chính sách cạnh tranh, tốc độ giao dịch của hệ thống và tốc độ đưa ra quyết định đầu tư. 

MBS vừa được ghi nhận trên trường quốc tế bằng Giải thưởng “Dịch vụ ngân hàng đầu tư tốt nhất 2018  Việt Nam” và “Công ty quản lý đầu tư tốt nhất” do World Finance trao tặng. Phải chăng, đây là bước MBS muốn khẳng định mình, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh ở tầm rộng hơn, khu vực và quốc tế, thưa ông?

Việc được trao tặng hai giải thưởng quốc tế đã phản ánh chính xác về năng lực nội tại của chúng tôi hiện nay. Thời gian qua, MBS đã chuyển mình, trích lập được hết những khoản nợ xấu trong quá khứ, kết quả kinh doanh phần nào đã phản ánh được đúng năng lực của Công ty.

Trong đợt công tác tại London vừa qua, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với các tổ chức tài chính quốc tế, họ có quan tâm tới TTCK Việt Nam và tương đối quan tâm tới các sản phẩm trái phiếu của MBS kết hợp với các doanh nghiệp.

Việc được một tổ chức quốc tế công nhận và trao giải thưởng cũng góp phần giúp cổ phiếu của MBS được các nhà đầu tư quốc tế biết đến nhiều hơn. Gần đây giao dịch của khối ngoại thường xuyên mua ròng cổ phiếu của MBS.

Khối lượng mua ròng này trong tương lai có thể tăng hay giảm, tuy nhiên nếu kết quả kinh doanh của MBS tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối 2018 và 2019 thì niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu chắc chắn sẽ gia tăng. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tràn vào mọi doanh nghiệp, ngõ ngách của đời sống tại Việt Nam và được Chính phủ đánh giá là một cơ hội chưa từng có cho những chủ thể biết nắm bắt để vươn lên, khẳng định mình trên thương trường. Tại MBS, Công ty có những lợi thế và chủ trương như thế nào trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ, giúp tăng hiệu quả và sự thuận lợi tối đa cho các khách hàng, thưa ông?

Là công ty chứng khoán trong Top 5 tại TTCK của Việt Nam, chúng tôi luôn ý thức được mình cần phải cập nhật liên tục các sản phẩm và công nghệ mới của thị trường thế giới.

Bản thân ngành chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn sơ khai, vì thế cả các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư đều thường xuyên cập nhật, học hỏi và tiếp thu những điều mới từ các thị trường phát triển. Vì thế, chỉ cần một thời gian không cố gắng là bạn hoàn toàn bị bỏ lại.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tràn vào khắp mọi ngóc ngách trong mọi doanh nghiệp và ngành chứng khoán cũng nằm trong làn sóng này.

Trong tương lai xa thì có thể là ứng dụng block chain vào việc thực hiện các giao dịch hay Fintech. Còn gần hơn nữa chính là Big – Data. MBS có chủ trương ứng dụng tối đa các sản phẩm công nghệ vào kinh doanh, bám sát và tận dụng nền tảng công nghệ thông tin của Tập đoàn MB.

Với tệp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn của Ngân hàng mẹ MB, chúng tôi sẽ khai thác được phân khúc khách hàng cá nhân tiềm năng chưa đầu tư vào TTCK, cùng với đó là đẩy mạnh hơn nữa thế mạnh của chúng tôi ở mảng IB phát trái phiếu doanh nghiệp và tư vấn M&A.

Ngoài ra, MBS sẽ thành lập Trung tâm R&D để nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng, các sản phẩm phục vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng trên diện rộng. 

Đứng vững Top 5 thị phần trên HOSE, HNX và Top 3 trên sàn phái sinh là một thành công lớn của MBS sau giai đoạn nỗ lực tái cơ cấu, nhưng cũng tạo ra áp lực lớn với MBS trong việc giữ vững vị trí Top đầu. Ông thường ứng xử như thế nào khi đứng trước sự lựa chọn giữa các phương án kinh doanh mà hiệu quả và độ an toàn trái ngược?

Đầu tiên, cần phải làm rõ rằng, MBS luôn muốn kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng, nhưng không có nghĩa là chúng tôi chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Trong quá khứ, bản thân MBS cũng đã có bài học vì chạy theo kết quả kinh doanh mà không lường được hết rủi ro. Hiện nay, công tác quản trị rủi ro của MBS được làm một cách bài bản, nghiêm túc từ việc vận hành hệ thống môi giới, cho vay margin tới việc huy động nguồn và đầu tư chứng khoán.

Và vì vận hành bộ máy kinh doanh một cách thận trọng nên toàn bộ nhân viên MBS phải hết sức nỗ lực mới có thể duy trì được vị trí Top 5 như hiện giờ. 

Xin ông chia sẻ, MBS đang và sẽ làm gì để bước tiếp đến mục tiêu cao hơn, Top 3 thị phần trên toàn thị trường, thưa ông?

Trong tương lai, để đạt được Top 3 thị phần trên toàn thị trường, trước tiên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đội ngũ môi giới để gia tăng nhóm khách hàng bán lẻ.

Hiện nay, các công ty Top đầu khác đều có trên 400 môi giới, chúng tôi vẫn còn 1/4 quãng đường nữa để đuổi kịp họ về quân số.

Bên cạnh việc phát triển đội ngũ môi giới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chuyên môn của các phòng ban khác như tiếp tục phát triển đội ngũ IB và phân tích mạnh để gia tăng thêm nhiều lựa chọn sản phẩm cho nhà đầu tư, và gia tăng thêm thị phần khách hàng tổ chức.

Trong năm 2018, thị phần của chúng tôi trong nhóm khách hàng này cũng đã có sự gia tăng tương đối tốt. Cuối cùng, MBS sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội bán chéo với ngân hàng mẹ và các thành viên trong tập đoàn để gia tăng tệp khách hàng tiềm năng cho mảng môi giới và IB.

Vượt đích kế hoạch kinh doanh cả năm ngay trong quý III, nhưng trong quý IV/2018, MBS sẽ tiếp tục có những chương trình tạo động lực cho đội ngũ kinh doanh để tăng thị phần môi giới trên cả hai sàn chứng khoán. Ngoài ra, mảng IB vẫn sẽ tiếp tục là điểm sáng khi MBS đang triển khai nhiều hợp đồng tư vấn với giá trị lớn và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV năm nay.

                                                                                                                   Theo Báo Đầu tư Chứng khoán.

 

Tin khác

Xem thêm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang