Trích dẫn Báo Cafe F: Link bài chi tiết xem tại đây
TGĐ MBS cho rằng chưa bao giờ chứng khoán lại gần với chúng ta đến thế. Với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của công ty chứng khoán. Vì vậy, dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán là vẫn còn.
Năm 2021 khép lại với những diễn biến hết sức tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam với hàng loạt kỷ lục bị xô đổ. Sau một năm thăng hoa, giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng lạc quan cho năm 2022.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 mới đây, ông Trần Hải Hà – TGĐ Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 cũng như quan điểm về thị trường năm mới.
Theo ông Trần Hải Hà, 2021 là một năm bản lề và là năm tiền đề cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong vòng 5 đến 10 năm nữa. Năm 2021, chúng ta đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn, trong số đó, việc cùng nhau xử lý nghẽn lệnh sàn HoSE là tiền đề để đưa thanh khoản thị trường liên tiếp lập đỉnh mới.
Thứ hai, 2021 là năm cực kỳ thành công với khối công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Tổng giám đốc MBS đánh giá 2021 là năm mà khối công ty chứng khoán thu được lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, việc này không phải ngẫu nhiên mà đến từ sự chuẩn bị kỹ của bản thân chính thị trường, chính các công ty chứng khoán đã có rất nhiều năm "nung nấu" cho sự kiện này. Sự thành công của công ty chứng khoán cũng là tiền đề cho một quy mô có khả năng đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, ngày càng khó hơn của bản thân thị trường và của các nhà đầu tư trong tương lai.
Khía cạnh thành công thứ 3 trong năm 2021 là sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư trên thị trường, và đa phần các nhà đầu tư đều thắng lợi. Theo ông Hà, đây là điều rất quan trọng bởi vì trong "cuộc chơi" đương nhiên phải có kẻ thắng, người thua nhưng trong năm 2021 mà đa phần đều thắng lợi thì đó là một niềm hân hoan để chúng ta sẽ có thể bước tiếp một chặng đường mới với nhiều thành công mới.
Doanh nghiệp niêm yết sẽ lớn mạnh hơn sau đại dịch
Tổng Giám đốc MBS cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 hoàn toàn khác các cuộc khủng hoảng khác. Trong thời đại hiện nay chúng ta được sự hỗ trợ của truyền thông, hỗ trợ của công nghệ thông tin, tiếp cận nhiều hơn các thông tin từ phía các doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin từ thị trường, bạn hàng, thông tin đối thủ cạnh tranh và chính thông tin từ khách hàng của họ.
Số liệu từ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là rất tích cực, không những vậy, cả năm 2020 và 2021, tỷ lệ có lãi của nhóm doanh nghiệp niêm yết đang cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp ở các mảng các ngành nghề khác, ví dụ so với nhóm về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp họ đã từng bước chuẩn bị các chiến lược hoạt động cho từ giai đoạn 2021 hoặc 2022 cho đến 5 năm tiếp theo và đã có nhiều kế hoạch chuẩn bị tăng vốn cho giai đoạn tới.
Ông Hà cho biết đã có nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp niêm yết và bản thân họ đang có những kế hoạch từ việc huy động vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, có thể tính đến phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi và có thể tăng quy mô vốn vay tại ngân hàng.
"Tôi nghĩ rằng khi đại dịch đã đi qua, chúng ta sẽ chờ đợi sự tăng trưởng lớn hơn của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới", Tổng Giám đốc MBS nhận xét.
2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam
Về xu hướng đầu tư, ông Hà cho rằng chưa bao giờ chứng khoán lại gần với chúng ta đến thế. Với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của công ty chứng khoán. Vì vậy, dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán là vẫn còn.
"Tôi sẽ không nói chính xác về điểm số nhưng tôi cho rằng trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có điểm số đỉnh trong 22 năm. Thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có giá trị cổ phiếu cao nhất kể từ khi niêm yết; Thứ ba, chúng ta sẽ chứng kiến một lượng nhà đầu tư mở tài khoản lớn chưa từng thấy. Cuối cùng tôi hy vọng năm 2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán".
Cũng theo ông Hà, tính tới cuối tháng 11/2021, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vào khoảng 142,6% của GDP và con số này nó ngày càng tiệm cận với quy mô của tín dụng ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2020, vào khoảng 146,2% GDP. Như vậy, chúng ta đang ngày càng hiện thực hóa việc thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Trong hơn 2 thập niên vừa qua có hơn 68% doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết. Con số đó tương đương 318.000 tỷ đồng và trong 2 thập niên vừa qua chúng ta đã có hơn 11 triệu cổ phiếu đã được giao dịch trao tay. Nhìn góc độ khác sang thị trường Singapore, quy mô thị trường chứng khoán trên GDP của họ chiếm khoảng 195%, trong khi quy mô thị trường tín dụng chỉ chiếm khoảng 133%, như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn vào đó để làm con số mà chúng ta hướng tới.
Góc độ khác, ông Hà cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ năm 2022 trở đi, việc thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ được tích cực hơn, từ đó tạo ra trữ lượng hàng hóa góp phần làm tăng quy mô thị trường cổ phiếu. Bên cạnh đó, ông Hà cũng kỳ vọng năm 2022, Việt Nam có khoảng 10% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán.