Chiến lược phát triển MBS 2016, cổ tức và khả năng phát triển dài hạn là những vấn đề chính được cổ đông thảo luận tại Đại hội Công ty Chứng khoán MBS sáng 15/4.
Một diễn biến mới là HĐQT MBS có sự thay đổi khi có 3 thành viên mới, trong đó có 1 thành viên là Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Báo cáo của HĐQT MBS cho biết, năm 2015, MBS đã liên tục nhận được những đánh giá tốt từ phía khách hàng và cơ quan chức năng, đồng thời nhận được nhiều bằng khen. Với việc niêm yết cổ phiếu trên HNX, MBS đã hoàn thành mục tiêu nâng cao vị thế cũng như uy tín trên TTCK, đồng thời tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, tính minh bạch của MBS và tăng cơ hội huy động vốn dài hạn.
Kết quả năm 2015 cho thấy, MBS đã tăng trưởng trên toàn bộ các chỉ tiêu trọng yếu khi tổng tài sản đạt 3.136 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 48,9% so với năm 2014, thị phần đạt trên 5% tăng 3,3% so với năm 2014, nằm trong Top 5 trên HNX và Top 6 sàn HOSE. Hoạt động môi giới của khối khách hàng tổ chức đã được tập trung hơn và đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ với thị phần khách hàng tổ chức tăng 21%, số tài khoản khách hàng lên tới 65.567 tài khoản.
HĐQT MBS cho biết, năm 2016 được coi là trọng tâm của Chiến lược phát triển 2015 - 2020. Do đó, HĐQT MBS xác định sẽ thực hiện những bước tiến đột phá nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, việc nâng cao dịch vụ khách hàng, tính chuyên nghiệp và tinh thần mẫn cán của đội ngũ CBNV sẽ được chú trọng, đảm bảo duy trì vị thế của MBS trong nhóm các công ty dẫn đầu.
Ngoài trọng tâm đẩy mạnh và phát triển hai hoạt động cốt lõi là môi giới và ngân hàng đầu tư, mở rộng mạng lưới chi nhánh và hệ thống khách hàng, MBS sẽ dự kiến chi khoảng 600.000 USD để nâng cấp hệ thống công nghệ,, đáp ứng yêu cầu phát triển mới như phái sinh, giao dịch T+0 một cách bảo mật, an toàn.
Liên quan đến Ngân hàng mẹ MB, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MBBank) Lưu Trung Thái khẳng định, MB sẽ đầu tư lâu dài vào MBS. Ông nhấn mạnh sự kỳ vọng của cổ đông lớn và cũng là ngân hàng mẹ của MBS là rất lớn, nhất là khi MBS đã vững bước trong Top 5 CTCK có thị phần cao nhất tại TTCK Việt Nam.
Tại Đại hội, một số cổ đông đặt vấn đề từ câu chuyện xin giải thể của CTCK Kim Long, có khi nào MBS tính đến phương án này? Phó chủ tịch MB Lưu Trung Thái khẳng định, MB (cổ đông nắm gần 80% vốn tại MBS) tin tưởng vào năng lực cũng như quyết tâm của Ban lãnh đạo MBS, tin tưởng MBS sẽ tạo ra sự đột phá, hoàn thành tốt chỉ tiêu, chiến lược mà MBS đặt ra.
Một diễn biến khác tại ĐHCĐ MBS năm nay là việc có thêm nhân sự mới tham gia HĐQT. Theo đó, bà Cao Thị Thúy Nga thôi vị trí Chủ tịch HĐQT MBS, chuyển sang vị trí Trưởng ban Kiểm soát MBS. Bà Nguyễn Thanh Bình từ nhiệm vì lý do cá nhân. HĐQT mới của MBS bao gồm: ông Lê Quốc Minh (Phó tổng giám đốc MB) - Chủ tịch; ông Vũ Thành Trung (Phó Giám đốc Ban đầu tư, MB) - Phó Chủ tịch; ông Trần Hải Hà (Tổng giám đốc MBS) – Thành viên; bà Đặng Thúy Dung (Phó giám đốc Khối Nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, MB), Thành viên; ông Phạm Thế Anh (Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Thành viên.
Với đội ngũ nhân sự mới, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cổ đông có thể đặt niềm tin vào tương lai của MBS, dù vào hiện tại giá cổ phiếu của MBS có sự suy giảm kể từ khi chính thức niêm yết.
Về phía ngân hàng mẹ, ông Thái tái cam kết giữ gìn MBS là công ty con lâu dài của Ngân hàng, đồng thời giám sát và kiểm soát chặt hiệu quả, bên cạnh tạo điều kiện, hỗ trợ MBS trong việc hợp tác, phối hợp với ngân hàng mẹ để triển khai mô hình kinh doanh bán chéo trong Tập đoàn. Về cổ tức, ông Thái cho biết, từ năm 2016, MB sẽ chỉ đạo MBS xây dựng phương án cổ tức từ 5 - 6%/năm.
Theo ĐTCK