Đây là nhận định của ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về những kết quả bước đầu và tiềm năng của TTCK phái sinh Việt Nam.
Thưa ông, là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trên thị trường, xin ông cho biết đánh giá của mình về mảng hoạt động này tại MBS?
Sau một năm vận hành, sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) xét về quy mô giao dịch và độ bao phủ đã được triển khai thành công, vượt xa kỳ vọng của chúng tôi. Hoạt động giao dịch của thị trường cơ bản là ổn định và thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.
Tại MBS, khách hàng tham gia giao dịch phái sinh tăng mạnh theo từng tháng, số lượng tài khoản mở mới duy trì ở mức cao tương ứng với thị phần hiện tại của MBS, trong đó khách hàng hoàn toàn mới (khách hàng chưa giao dịch tại thị trường cơ sở tại MBS) chiếm tỷ trọng tương đối cao. Số lượng tài khoản phái sinh và số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên HĐTL hiện cao hơn 2,5 lần so với cuối 2017.
Thưa ông, thời gian qua, có một vài ý kiến cho rằng, thị trường phái sinh đã “hút bớt tiền” của thị trường cơ sở, làm thanh khoản thị trường cơ sở giảm rõ rệt. Ý kiến của ông về điều này thế nào? Vai trò hỗ trợ thị trường cơ sở của phái sinh đã được thể hiện ra sao trong thời gian qua?
Tại MBS, thực tế số tiền ký quỹ của NĐT tham gia giao dịch phái sinh hiện còn rất nhỏ so với giá trị tài sản ròng của khách hàng. Theo chúng tôi về cơ bản hiện tượng hút tiền từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh, nếu có thì cũng không đáng kể.
Ở khía cạnh khác, hiện tượng thanh khoản của thị trường cơ sở đi xuống trong các đợt điều chỉnh là hiện tượng bình thường với TTCK Việt Nam. NĐT theo dõi TTCK trong khoảng 10 năm qua có thể thấy, so với những tháng cao nhất về thanh khoản trong giai đoạn tăng trưởng thì thanh khoản của TTCK cơ sở có thể sụt giảm đến1/2 trong giai đoạn điều chỉnh.
HĐTL cho phép NĐT mô phỏng chỉ số với nhiều ưu điểm: Chi phí rất thấp (chỉ 5.000 đồng - 7.000 đồng/một chiều mua bán tại MBS); đòn bẩy cao (khoảng 5 - 7 lần) và giao dịch 2 chiều (cả mua và bán) trong ngày. Do vậy, NĐT cá nhân thường giao dịch mạnh HĐTL trong những giai đoạn thị trường cơ sở điều chỉnh và ít có cơ hội kiếm lời từ việc mua cổ phiếu cơ sở.
Đứng trên góc độ này, chúng tôi cho rằng, HĐTL có vai trò níu giữ lại dòng tiền đầu tư chứng khoán trong những giai đoạn thị trường điều chỉnh.
Ghi nhận sự phát triển tích cực của thị trường phái sinh dù chỉ mới 1 năm tuổi; tuy nhiên, thị trường chủ yếu vẫn là sân chơi của NĐT cá nhân và có vẻ nghiêng nhiều về thiên hướng đầu tư hơn là phòng vệ rủi ro. Ông bình luận thế nào về thực tế này? Đâu là một số giải pháp để có thể cải thiện tình trạng này?
Thực tế NĐT cá nhân thường có quy mô vốn nhỏ và giao dịch bám sát TTCK nên NĐT tham gia thị trường phái sinh chủ yếu cho mục đích đầu tư ngắn hạn. Sự tham gia của NĐT tổ chức sẽ giúp thị trường phái sinh phát triển sát với định hướng là một kênh phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp gia tăng tính thanh khoản và tính ổn định của thị trường. Chẳng hạn, tại Thái Lan, NĐT cá nhân chỉ chiếm khoảng 55% giao dịch, 45% là NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài.
Theo kinh nghiệm từ Thái Lan, họ cho phép NĐT tổ chức có thể dùng một số phần mềm với tính năng giao dịch tự động nhất định, đồng thời cơ quan quản lý có bộ tài liệu hướng dẫn kết nối giao dịch bằng tiếng Anh rất rõ ràng. Các thông tin, dữ liệu giao dịch được công bố rất chi tiết đầy đủ, minh bạch và thống kê cụ thể theo từng giai đoạn.
Tại Trung Quốc, những hội thảo, diễn đàn về chứng khoán phái sinh cho tổ chức được tổ chức thường kỳ, qua đó cơ quan quản lý có thể nắm bắt được những nhu cầu thực tế của NĐT tổ chức.
Chúng tôi cho rằng, kinh nghiệm từ các thị trường lân cận là một gợi ý tốt để có bước đột phá trong việc thu hút NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài tham gia giao dịch phái sinh.
Ông dự báo thế nào về sự phát triển của thị trường phái sinh trong tương lai?
TTCK phái sinh còn rất nhiều dư địa tăng trưởng khi các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa đầu tư ra đời. Các thị trường trong khu vực đã có thời gian phát triển trước Việt Nam đã triển khai các sản phẩm HĐTL dựa trên trái phiếu chính phủ, ngành, cổ phiếu riêng lẻ, hàng hóa.
Những sản phẩm như vậy, khi đủ điều kiện để triển khai tại Việt Nam theo lộ trình triển khai đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, cũng sẽ đạt được thành công lớn, do sản phẩm tính khác biệt cao, giúp NĐT có thể phân tán rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Đồng thời, sự đa dạng hóa sản phẩm cũng là một tiền đề quan trọng để thu hút sự tham gia của NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài. Xét về số lượng hợp đồng thì hiện tại thị trường Thái Lan đang có mức giao dịch hàng ngày vào khoảng 400.000 hợp đồng tương lai và đây là con số thị trường phái sinh Việt Nam có thể đạt được trong 3 năm tới.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam