Bài phỏng vấn TS. Quách Mạnh Hào đăng trên báo Đầu tư chứng khoán số ngày hôm nay 26/6/2013. (http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJFCIC/ts-quach-manh-hao:-mbs-thay-doi-de-tao-nen-nhung-gia-tri-moi.html)
Hoàn thành vượt kế hoạch năm 2012, CTCK MB (MBS) đang chinh phục niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư bằng những bước đi vững chắc và sáng tạo trên con đường đưa MBS đến TOP 3 CTCK tốt nhất Việt Nam theo định hướng chiến lược của Ngân hàng mẹ (MB). Tại ĐHCĐ MBS ngày 28/6 tới, một kế hoạch bất ngờ sẽ được HĐQT MBS trình Đại hội thông qua, đó là sẽ tìm 1 CTCK nhỏ hơn để tiến hành hợp nhất. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Quách Mạnh Hào, thành viên HĐQT MBS.
Nhiều người rất bất ngờ khi nghe tin MBS sẽ tìm một CTCK khác nhỏ hơn để thực hiện việc hợp nhất. Ông có thể cho biết vì sao?
Như các bạn cũng biết, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, tái cấu trúc khối CTCK là những định hướng quan trọng mà Chính phủ và các bộ, ngành đã đặt ra, nhằm mục đích giảm số lượng DN, tạo không gian mới để gia tăng sức cạnh tranh cho những thực thể DN khỏe mạnh. Thực hiện định hướng này, MBS đã có ý tưởng tìm một CTCK nhỏ hơn để tiến hành hợp nhất từ lâu, nhưng nay, điều kiện thị trường có nhiều điểm thuận lợi, HĐQT chúng tôi mới chính thức công bố ý tưởng này. Hợp nhất với một CTCK khác là một trong các cách để MBS lớn mạnh nhanh, mở rộng mạng lưới, gia tăng năng lực tài chính, gia tăng khách hàng, tăng cơ hội hợp tác phát triển và đó cũng là một cách MBS góp sức mình vào công cuộc tái cấu trúc các CTCK theo chủ trương của Chính phủ và của ngành chứng khoán đã đề ra.
Việc tìm một CTCK nhỏ hơn để tiến hành hợp nhất, như ông vừa nói, là MBS đã ấp ủ từ lâu. Vậy ông có thể bật mí cách MBS chọn lựa đối tác là như thế nào?
Chủ trương của chúng tôi là chọn một CTCK có vốn ở mức trung bình hoặc nhỏ, có mạng lưới khác hàng tốt, có tình hình tài chính lành mạnh để tiến hành hợp nhất. Chi tiết của quá trình này cũng như tên của CTCK được chọn tôi xin chưa được tiết lộ, nhưng chúng tôi đang cố gắng để việc hợp nhất có thể hoàn thành trong quý III năm nay.
Nếu kế hoạch hợp nhất được cổ đông thông qua và thực hiện thành công thì điều chúng tôi mong đợi nhất là có một CTCK lành mạnh hơn, có mạng lưới khách hàng rộng lớn hơn, với lợi thế cộng hưởng từ hai CTCK riêng biệt. CTCK hình thành sau hợp nhất sẽ vẫn mang tên MBS, và Ngân hàng mẹ MB vẫn sẽ giữ tỷ lệ chi phối với những cam kết hỗ trợ chúng tôi về nhiều mặt, đặc biệt là về hệ thống khách hàng và sự hợp tác để tạo nên những sản phẩm, dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. MBS vẫn tiếp tục phát triển dựa trên 5 giá trị cốt lõi sẵn có, đó là: Sáng tạo đi kèm thực tiễn; Tôn trọng và học tập; Mẫn cán; Tinh thần đồng đội; Trách nhiệm và phát triển cộng đồng.
MBS công bố ý định hợp nhất với một CTCK là bất ngờ, nhưng việc mới đây, ông có quyết định rời vị trí Phó tổng giám đốc điều hành MBS dường như là một bất ngờ không kém. Ông có thể cho biết vì sao?
Tái cấu trúc DN và hiện đại hóa mô hình quản trị DN là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các công ty đại chúng lớn nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Thông lệ quốc tế trong vấn đề này là sự tách biệt vai trò của HĐQT và ban điều hành để đảm bảo sự hiệu quả tối đa trong hoạt động kinh doanh.Với định hướng chiến lược trở thành công ty có dịch vụ thuận tiện nhất cho khách hàng cá nhân và chuyên nghiệp nhất trong các nhà cung cấp dịch vụ M&A và thị trường vốn tại Việt Nam, MBS đã là một DN đại chúng quy mô lớn. Chúng tôi đang dần hiện thực hóa ý tưởng quản trị DN theo thông lệ tốt nhất bằng cách tách bạch vai trò của HĐQT với Ban Tổng giám đốc.
Sau khi ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Công ty từ nhiệm Tổng giám đốc để chuyên tâm vào công việc Chủ tịch HĐQT MBS, tôi cũng đã chính thức từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc MBS để tập trung vào công việc thành viên HĐQT MBS. Là thành viên HĐQT không điều hành, nhưng công việc của tôi vẫn sẽ tập trung phát triển các mảng việc quan trọng là dịch vụ ngân hàng đầu tư, chỉ đạo nghiên cứu sản phẩm mới và tham gia các dự án tư vấn như trước đây. Ban điều hành MBS cũng sẽ được bổ sung để tăng năng lực quản lý. MBS đang dần hiện thực hóa mô hình quản trị DN tiên tiến và ở đó chúng tôi cần nhiều hơn sự gắn bó, sự nỗ lực, sự sáng tạo của Ban lãnh đạo cũng như từng nhân viên, để tạo nên những giá trị mới cho Công ty trên con đường thực hiện mục tiêu chiến lược đã được Ngân hàng mẹ (MB) đặt ra.
Ông dự báo như thế nào về TTCK 6 tháng cuối năm?
Giữa tháng 5, tôi có đưa ra dự báo rằng TTCK sẽ đón nhận một đợt tăng điểm trong thời gian gần, được kích thích bởi tâm lý tích cực từ triển vọng dòng tiền rẻ. Tôi đã dự báo sự tích cực ngắn hạn đó có thể là đầu tháng 6, nhưng thực tế thị trường đã phản ứng nhanh hơn những gì tôi dự kiến. Sau giai đoạn tăng điểm vừa qua, theo tôi, từ nay đến cuối năm thị trường sẽ khó có cơ hội lớn. Nhà đầu tư sau khi háo hức, kỳ vọng với những thông điệp, quyết sách khôi phục nền kinh tế từ Chính phủ, đang chuyển sang trạng thái chờ đợi những bước đi tiến triển thực sự từ các DN và nền kinh tế.
Tuy nhiên, tôi nhận định thị trường M&A, đặc biệt là M&A trong lĩnh vực tận dụng được lợi thế dân số trẻ của Việt Nam như thực phẩm, đồ uống… sẽ phát triển mạnh, vì nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực này.