Hai năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phát triển bùng nổ và đóng góp ngày càng quan trọng với nền kinh tế. Điều này đã đem lại thành quả ngọt ngào cho nhiều công ty chứng khoán và một trong những cái tên nổi bật nhất là Chứng khoán MB (Mã chứng khoán: MBS).
Khi những kênh đầu tư truyền thống trở nên kém hấp dẫn, thị trường chứng khoán đang ngày càng thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Minh chứng rõ nét là lượng tài khoản mở mới leo lên ngưỡng kỷ lục trong năm 2021, bình quân mỗi tháng có tới hơn 100 nghìn tài khoản được mở mới. Thanh khoản thị trường liên tục tăng cao nhờ lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến nguồn vốn cung ứng cho hoạt động margin luôn ở trong tình trạng căng cứng. Nhằm bổ sung nguồn lực tài chính, hàng loạt công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ, và MBS cũng không ngoại lệ.
Ngay từ giữa tháng 5/2021, MBS đã tiến hành chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, kèm theo đó là chào bán hơn 8,2 triệu cổ phiếu ESOP và thu về gần 1.033 tỷ đồng. Vốn điều lệ MBS sau đợt phát hành này tăng vọt từ 1.640 tỷ lên gần 2.677 tỷ đồng.
Để tối ưu nguồn vốn thu về, MBS đã tập trung sử dụng vốn vào các mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi vốn có tính hiệu quả cao. Trong đó, mảng dịch vụ tài chính được đẩy mạnh khi nhu cầu margin từ thị trường đang tăng mạnh. MBS cũng liên tục đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số nhằm phục vụ chiến lược tăng trưởng thị phần.
Hiệu quả đã được thể hiện trong kết quả kinh doanh của MBS năm 2021 với doanh thu và LNST của công ty lần lượt đạt 2.218 tỷ (+98,7% n/n) và 587 tỷ đồng (+118,2% n/n). Với kết quả thực hiện, MBS đã vượt 70,5% kế hoạch doanh thu và 63,6% mục tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ năm 2021 đã thông qua. Dư nợ vay margin tính đến 31/12/2021 tăng thêm 64% so với đầu năm, đạt 6.140 tỷ đồng, đồng thời VCSH cũng tăng trưởng 64,3%.
Trong giai đoạn 2022 – 2026 sắp tới, chiến lược của MBS đặt ra mục tiêu tham vọng là ghi danh TOP 3 CTCK Việt Nam về thị phần môi giới, TOP 3 doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư và là nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài sản hàng đầu.
MBS coi đó là mục tiêu để không ngừng phấn đấu, đổi mới và tạo dựng những giá trị lớn cho Công ty. Dựa trên triển vọng tăng trưởng của TTCK, chiến lược phát triển đúng đắn, sự hỗ trợ của hệ sinh thái ngân hàng MB và cuối cùng là sự quyết tâm phấn đấu của toàn bộ cán bộ nhân viên MBS, đây là một thách thức lớn nhưng hoàn toàn khả thi.
Thứ nhất, TTCK Việt Nam mặc dù đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn hóa và khối lượng giao dịch trong các năm qua nhưng vẫn còn là một thị trường non trẻ (thị trường cận biên) nên vẫn có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là cơ hội mở rộng tệp khách hàng trong bối cảnh số tài khoản còn thấp trên quy mô dân số và nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 99% số lượng tài khoản.
Thứ hai, trước mắt, với phương châm hoạt động "Phát triển nhanh, đột phá, chuyển đổi số, hiệu quả", năm 2022, MBS sẽ chú trọng thay đổi mô hình kinh doanh môi giới thông qua đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tăng trải nghiệm cho khách hàng, qua đó khách hàng được tiếp cận với hệ thống giao dịch hiện đại gồm quản trị danh mục đầu tư, tư vấn tự động, hệ thống tài khoản thông minh kết nối với nhiều sản phẩm dịch vụ như cổ phiếu, trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm… Mới đây MBS đã áp dụng giải pháp eKYC, giúp khách hàng có thể dễ dàng mở tài khoản chứng khoán qua app MBS Mobile và MBBank, làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ theo cách mở tài khoản chứng khoán thông thường. Thứ ba, mô hình kinh doanh số được MBS tập trung triển khai từ năm 2021 nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện của một công ty chứng khoán "full service" tới tệp khách hàng trẻ tuổi mới nổi và bước đầu làm quen với sản phẩm đầu tư tài chính. Với công cụ mở tài khoản eKYC trên app MBS Mobile cũng như từ các chương trình mở tài khoản liên kết tập đoàn, thị phần tài khoản mở mới của MBS hiện nay trung bình đạt trên 10% toàn thị trường. Nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ, cá tính và có khả năng tiếp cận công nghệ "cận pro", MBS Mobile App cung cấp một trải nghiệm giao dịch tốt, hiện đại với nhiều công cụ nổi trội về giao dịch cảnh báo cổ phiếu, lệnh điều kiện…và các công cụ tư vấn, đào tạo để Nhà Đầu Tư F0 có thể tự tin giao dịch chứng khoán. Vượt trên một trải nghiệm giao dịch tốt, điều mà MBS đã làm tốt với Mobile App hướng tới việc cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính, quản lý tài sản. Ước vọng là trong 3-5 năm tới, sẽ có 2% dân số Việt Nam sử dụng các sản phẩm đầu tư và giao dịch của MBS. |
|
Kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ cộng thêm phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng là động lực không nhỏ cho đà tăng giá của cổ phiếu MBS, giúp cổ phiếu này trở thành một trong những mã tăng tích cực nhất dòng chứng khoán. Ghi nhận trong năm 2021, giá cổ phiếu MBS liên tiếp xô đổ đỉnh mới, kết thúc phiên năm 2021 đạt 40.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gấp 3,3 lần so với thời điểm đầu năm. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận vốn hóa MBS vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Mức tăng về mức vốn hóa thị trường của MBS trong các năm tới cũng sẽ là biểu hiện của việc hiện thực hóa mục tiêu tham vọng trở thành TOP 3 CTCK Việt Nam về thị phần môi giới, TOP 3 doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư và là nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài sản hàng đầu. MBS đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu tối thiểu 28%, về lợi nhuận tối thiểu 30%. Với mức doanh thu kế hoạch năm 2026 đạt mức trên 8.000 tỷ đồng tương ứng với mức lợi nhuận sau thuế đạt mức trên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với mức thực hiện của năm 2021.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu trở thành công ty chứng khoán hàng đầu, MBS cũng đặt kế hoạch tăng vốn để có thêm nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng ngày càng lớn với nhu cầu đa dạng trong thời gian tới. Đến hết 2026, dự kiến vốn điều lệ của MBS sẽ tăng lên mức xấp xỉ 7.000 tỷ so với mức 2.670 tỷ hiện nay.
Với những bước đi vững chắc về tăng trưởng lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu cùng với tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, MBS tin tưởng rằng mức vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.
Tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên "mảnh đất" này cũng có sự cạnh tranh lớn từ hàng chục công ty chứng khoán trong và ngoài nước với đủ các sản phẩm dành cho nhà đầu tư.
Để có sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, chiến lược riêng biệt mà MBS đang áp dụng đó là "hiệp lực tập đoàn" với việc kết hợp khai thác tiềm năng trong MBGroup với mạng lưới rộng khắp toàn quốc (network với bank, MIC, Ageaslife, MCredit) là cơ hội tạo nên sức mạnh lớn cho MBS.
Hơn nữa, trong 2 năm gần đây, công ty chuyển dịch số khá thành công với khả năng mở rộng data khách hàng những năm tới rất lớn. Đây là một trong những lợi thế lớn nhất của MBS so với cả các CTCK khác.
Đồng thời, trong những năm qua MBS đã tập trung đầu tư năng lực Công nghệ, tăng tốc chuyển đổi số. Với mục tiêu lấy trải nghiệm khách hàng là trung tâm, MBS đã chuyển đổi toàn bộ các giao dịch với khách hàng lên nền tảng số như MBS Mobile App và Webtrading S24. Các nền tảng số luôn đảm bảo an toàn, tin cậy và được các nhà đầu tư trên thị trường quan tâm và đánh giá cao.
Mô hình kinh doanh số được MBS tập trung triển khai và đem lại thành công trong giai đoạn đầu. Số lượng tài khoản mở mới tại MBS qua ứng dụng eKYC tăng mạnh từ so với thời điểm đầu năm 2020 và tiếp tục chứng kiến tăng mạnh trong năm 2021 với sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Mô hình này sẽ tiếp tục được MBS nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn sắp tới.
Công ty đã xây dựng chiến lược 5 năm tới với tầm nhìn trở thành công ty chứng khoán có nền tảng giao dịch và chất lượng tư vấn hàng đầu Việt Nam. Công nghệ MBS cùng với tập đoàn MB tiếp tục đầu tư các nền tảng công nghệ với ngân sách hàng năm từ 7-8%/doanh thu, nhằm tạo lợi thế về công nghệ từ đó tăng tốc phát triển quy mô khách hàng, triển khai các mô hình kinh doanh mới và đưa ra thị trường những sản phẩm vượt trội dựa trên nền tảng công nghệ số: Copytrade, OneID, Wealth Management, Đầu tư như trái phiếu, Chứng chỉ quỹ, ….
Ngoài hoạt động kinh doanh môi giới truyền thống, MBS cũng đang tập trung đẩy mạnh 2 mũi nhọn trong "kiềng 3 chân" còn lại là hoạt động Kinh doanh số và Quản lý tài sản (Private).
Việt Nam, ngoài lợi thế nằm tại khu vực kinh tế năng động và trẻ hàng đầu khu vực, chúng ta cũng đang có tỷ lệ dân số được gọi là "vàng" – cơ cấu nhân khẩu học "cực tốt": nghĩa là với số liệu dân số khá lớn (hơn 100 triệu dân) cùng với tầng lớp dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70%. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tầng lớp này cũng là đối tượng nắm bắt các xu thế về tiêu dùng – chất lượng cuộc sống hay quản lý tài sản từ thế giới. Nhận thức và nhu cầu về các sản phẩm đầu tư, quản lý tài sản đa dạng từ các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán hoặc công ty tài chính rất cao. Thêm một yếu tố nữa là Việt Nam đang có tốc độ gia tăng dân số trung lưu bình quân từ 13 – 15%, mức cao nhất thế giới hiện nay. Nhu cầu "một chạm" với các dịch vụ Private banking cao cấp và phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư của tầng lớp này cần có đội ngũ chuyên gia và chuyên biệt.
Mảng kinh doanh Quản lý tài sản (Private) tại MBS cũng đi theo xu thế chung đó, với sứ mệnh đem lại các giá trị bền vững cho danh mục đầu tư được phân bổ vào thị trường Chứng khoán Việt Nam. Khi là Khách hàng của MBS Private, khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ đầu tư chuyên biệt "đo ni, đóng giày'' phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình.
Theo chiến lược phát triển của MBS giai đoạn 2022 – 2026, MBS kỳ vọng số lượng khách hàng tham gia các sản phẩm ủy thác của MBS sẽ lên tới con số 1 triệu khách hàng sau hơn 3 năm với tài sản quản lý trên 20.000 tỷ đồng.