Quay lại

Nếm trải rất nhiều khó khăn trong quá khứ, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã từng bước cải tiến, giúp công ty trở lại mạnh mẽ hơn trong đường đua, cùng các công ty chứng khoán lớn trên thị trường. Nhưng liệu những sự chuyển biến đó có bền vững, và những nốt trầm đã qua liệu có quay lại với công ty này?

Không quên nhìn lại

Hoạt động cho vay chứng khoán với quy mô lớn và kiểm soát rủi ro không chặt để rồi xảy ra nợ xấu, Chứng khoán Thăng Long vào những năm 2010, 2011 gặp rất nhiều khó khăn. Việc tái cấu trúc lại hoạt động, với sự giúp sức của ngân hàng mẹ MB đã khiến công ty vượt qua giai đoạn đó và đang lấy lại vị thế của mình, vốn là một trong 5 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất trên thị trường.

Trong chiến lược tái cấu trúc đó, ngày 9-12-2013, Công ty Chứng khoán MB đã hợp nhất với Công ty cổ phần Chứng khoán VIT để trở thành Công ty Chứng khoán MB (MBS) như hiện nay. Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MBS, ngày đó thì việc kết hợp này nằm trong tiến trình tái cấu trúc MBS. Và để công ty phát triển bền vững hơn thì trong giai đoạn này công ty đã xây dựng lại chiến lược kinh doanh, thiết lập lại bộ máy nhân sự cho hiệu quả, đồng thời tăng đầu tư vào công nghệ để cung cấp các tiện ích tốt cho nhà đầu tư, tái cấu trúc lại lĩnh vực hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro. Việc này đã giúp công ty củng cố nội lực, tình hình tài chính trở nên lành mạnh và tốt hơn.

Những con số tài chính của MBS trong các năm qua cho thấy đã có những bước tiến đáng kể, cho dù con số lợi nhuận chưa thật cao. Trong khi năm 2011, mức lỗ của công ty lên đến gần 600 tỉ đồng, thì các năm sau, công ty đã có lãi trở lại. Mặc dù trong giai đoạn tái cơ cấu, nhưng năm 2014, MBS đạt lợi nhuận sau thuế gần 73 tỉ đồng. Năm 2015, do thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam có nhiều biến động, đặc biệt vào khoảng thời gian cuối quí 2, đầu quí 3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty chứng khoán đều bị ảnh hưởng. MBS cũng không ngoại lệ khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt chưa đầy 8 tỉ đồng, do chủ động trích lập dự phòng trước những biến động của thị trường.

Trong giai đoạn hiện tại, qua sự tích cực phối hợp của Ngân hàng Quân đội (MB) nên công ty có thêm nền tảng là khách hàng tổ chức để cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư, điều này đã giúp MBS có thêm lợi nhuận trong hai năm qua và các năm tiếp theo.

Niêm yết cho giai đoạn tăng trưởng mới

Kinh tế Việt Nam đang đi vào giai đoạn hội nhập, khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN có hiệu lực từ cuối năm 2015, Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Theo như ông Thái, thì đây chính là cơ hội lớn để MBS tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cùng tham gia với công ty để nâng cao năng lực tài chính. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có cơ hội đón nhận dòng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho vốn đầu tư tại châu Á, bên cạnh Philippines.

Định vị lại mình trong quá trình hội nhập là rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Với MBS cũng thế. Theo ông Thái, để đón đầu làn sóng này, công ty vẫn kiên định với các chiến lược kinh doanh đã đề ra, tập trung vào hai lĩnh vực chính là môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư. Thứ hai là tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, củng cố các sản phẩm, hệ thống công nghệ để phục vụ cho đối tượng khách hàng mới và thực thi các hoạt động quản trị rủi ro một cách triệt để.

Một sự chuẩn bị mang tính dài hơi nữa đó là trở thành một công ty niêm yết. Theo ông Thái, niêm yết cổ phiếu MBS là kế hoạch dài hạn, đã được xây dựng trong chiến lược của công ty, nhằm tận dụng cơ chế quản lý minh bạch của các công ty niêm yết và đáp ứng kỳ vọng của đại đa số cổ đông.

Sau khi niêm yết, chiến lược phát triển của MBS sẽ chú trọng vào tăng cường mở rộng mạng lưới, tuyển dụng vào đào tạo nguồn nhân sự, đồng thời nghiên cứu, đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới chất lượng cao hướng tới sự đa dạng hóa, toàn diện trên cơ sở lấy niềm tin của khách hàng là mục tiêu cốt lõi.

Với cách tiếp cận như vậy, mục tiêu chiến lược của MBS trong các năm tới là tiếp tục củng cố vị trí một trong năm công ty có thị phần môi giới lớn nhất thị trường; một trong năm công ty có doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư lớn nhất thị trường. Cùng với đó, công ty sẽ tăng hiệu quả hoạt động bằng việc cắt giảm chi phí, quản trị rủi ro chặt chẽ, phấn đấu tăng ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt trên 12%, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông trong các năm tiếp theo.

Từ ngày 28-3, 112 triệu cổ phiếu MBS của Công ty Chứng khoán MB sẽ chính thức được giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội, với giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện MBS có trên 70.000 khách hàng là nhà đầu tư tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đang nắm giữ 79,52% vốn điều lệ MBS, tương đương 97,11 triệu cổ phần và là cổ đông lớn nhất của công ty.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin khác

Xem thêm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang