Thêm 6.700 nhà đầu tư mới đã đến với Công ty Chứng khoán MB kể từ ngày 1/1/2012, sau khi Công ty có Chủ tịch, Tổng giám đốc mới, đổi tên thành MBS, khép lại quá khứ đầy thăng trầm của CTCK Thăng Long trước đây. Với tổng số tài khoản đang quản lý lên đến trên 58.000 tài khoản, MBS đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành CTCK có dịch vụ thuận tiện nhất cho các khách hàng cá nhân, chuyên nghiệp nhất trong các nhà cung cấp dịch vụ M&A và thị trường vốn tại Việt Nam.
MBS của hôm nay
10 năm đầu tiên hoạt động cùng TTCK Việt Nam, MBS tiền thân là CTCK Thăng Long và từng nổi tiếng là một địa chỉ thân thiện với nhà đầu tư khi sàn giao dịch đầu tiên của Công ty tại số 14, Lý Nam Đế lúc nào cũng đông chật khách. Với sự xuất hiện của giao dịch trực tuyến, ngày nay, nhà đầu tư không còn tập trung tại sàn để theo dõi bảng điện tử và bàn chuyện kinh doanh nữa, nhưng MBS vẫn duy trì được mối quan hệ bền chặt với các khách hàng của mình, thông qua các kênh thông tin đa dạng và riêng biệt. Cho đến nay, MBS là CTCK duy nhất trên TTCK Việt Nam mở và duy trì cổng Chat24 với nhà đầu tư để trực diện lắng nghe và giải đáp các nhu cầu đa dạng của thị trường.
Cũng như nhiều CTCK lớn khác, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư, thông qua các bản tin, khuyến nghị được MBS thực hiện đều đặn hàng ngày, hàng tuần, hàng quý. Nếu như đây là các hoạt động hỗ trợ “tĩnh” thì ý tưởng mở cổng Chat24 của MBS là một nỗ lực vượt lên trên sự thông thường đó, để gắn kết chặt hơn với khách hàng thông qua hoạt động cung cấp thông tin, kiến thức, giải đáp thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ khách hàng mọi nơi, mọi lúc của Công ty. Ông Mai Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Khách hàng bản lẻ kiêm Trưởng phòng Phát triển sản phẩm của MBS cho biết, MBS hiện duy trì 4 cổng Chat: Chat với broker; Chat với chuyên gia; Chat với bộ phận hỗ trợ và Chat giữa các nhà đầu tư trong cùng một nhóm. Sở hữu một nền tảng công nghệ hiện đại và một hệ thống khách hàng rộng lớn, sản phẩm Chat24 của MBS tạo ra nguồn cảm hứng mỗi ngày cho nhà đầu tư thông qua khả năng hỗ trợ và kết nối rất đặc biệt của công cụ này.
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam có đến 100 CTCK đang hoạt động, những yếu tố nào tạo nên sự khác biệt cho từng công ty và thu hút nhà đầu tư đến giao dịch? Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, thông thường, có 4 yếu tố cơ bản quyết định sự “hấp dẫn” của một CTCK. Thứ nhất là uy tín hàng đầu của CTCK. Yếu tố này trở nên quan trọng đặc biệt sau khi một số CTCK yếu như Tràng An, Trường Sơn, Golden Brigde… để xảy ra tình trang nhập nhèm trong sử dụng tài sản của khách hàng, khiến đại đa số nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn những CTCK lớn, có uy tín hàng đầu, để mở tài khoản. Thứ hai, hệ thống sản phẩm của CTCK phải đa dạng, chuyên nghiệp và hữu ích. Thứ ba, CTCK phải có khả năng tư vấn tốt, đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của khách hàng và mang lại giá trị thực sự cho khách hàng. Thứ tư, khoảng cách giữa nhà đầu tư và CTCK phải là gần nhất, thuận tiện nhất, thân thiện nhất, đây là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Xét trên các yếu tố cơ bản nêu trên, MBS đang ngày càng thể hiện được sức hấp dẫn của mình với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư đại chúng. Là công ty con của MB, nhận sự hỗ trợ và hợp tác đặc biệt của MB, ngoài trụ sở chính và các chi nhánh hiện hữu, MBS có 16 điểm giao dịch trực tuyến tại các chi nhánh của MB trải dài trên toàn quốc, từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Nhân viên của MB đồng thời là người tư vấn, hỗ trợ khách hàng sử dụng các sản phẩm của MBS, cung cấp các giải pháp tài chính tổng thể trong hệ thống Tập đoàn MB cho khách hàng. Với chiến lược này, MBS đang tiếp cận với nguồn khách hàng khổng lồ của Ngân hàng mẹ MB. Trong tuơng lai, việc hợp tác với đối tác Viettel để mở rộng mạng lưới, tăng cường khả năng phục vụ nhà đầu tư đại chúng, là một bước đi chiến lược, đang được MBS hướng tới.
Cũng với sự hợp sức của Ngân hàng mẹ, MBS là CTCK duy nhất triển khai được sản phẩm chuyển tiền 24/7, tức là trong vòng 1 giây, nếu khách hàng có yêu cầu, tiền trong tài khoản tại MBS sẽ sang MB và ngược lại, đem lại sự yên tâm cao nhất cho đồng vốn của khách hàng và giúp khách hàng tối ưu hóa khả năng sinh lợi. Với công cụ này, MBS là một trong số ít CTCK có công cụ hiệu quả để thực hiện quy định của UBCK, Bộ Tài chính về việc tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại CTCK, theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Trong hoạt động tư vấn và cung cấp sản phẩm, MBS hành động trên nền quan điểm cốt lõi: mỗi khách hàng là một đối tác riêng biệt, có điều kiện tài chính, mục tiêu đầu tư khác nhau và đều hướng đến sự tăng trưởng tài chính bền vững. Vì thế, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, cùng khách hàng tìm ra các giải pháp đầu tư và tài chính tối ưu, được may đo riêng cho từng gia đình và doanh nghiệp, được coi là slogan trong hành động của từng nhân viên MBS.
Với tư duy này, MBS đặt khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động, vì lợi ích của khách hàng trước, sau đó mới đến lợi ích của Công ty. Thị phần của MBS tăng liên tục: 6 tháng đầu năm 2012 đạt 3,55%; 6 tháng cuối năm 2012 đạt 3,66% và đặc biệt nhảy vọt lên mức 5,01% trong 6 tháng đầu năm 2013 là một minh chứng cụ thể cho sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh ngày càng cao hơn của các dịch vụ chứng khoán mà MBS đang cung cấp trên thương trường.
MBS của ngày mai
Để có thể đảm bảo MBS là một CTCK khỏe mạnh về tài chính và phát triển lành mạnh về mọi mặt, HĐQT MBS đã tìm kiếm nhiều giải pháp và đi đến một quyết định chiến lược: hợp nhất với một CTCK khác để đưa MBS bước sang một giai đoạn phát triển mới. Khi không còn lỗ lũy kế, với năng lực cạnh tranh đã được khẳng định trên TTCK và sự hỗ trợ đặc biệt của Ngân hàng mẹ, MBS hướng đến những mục tiêu mới, như trả cổ tức cho cổ đông hay niêm yết trên TTCK…
Là người đầu tiên xây dựng khối khách hàng cá nhân và mở rộng mạng lưới giao dịch tại MB, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB đã đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT MBS kể từ tháng 9/2013. Trao đổi với ĐTCK, bà Nga khẳng định, các sản phẩm của MBS hiện có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh và sẽ tiếp tục được chuẩn hóa về quy trình, để mang đến sự hài lòng cao hơn cho khách hàng.
Một trong những giá trị quan trọng mà MBS đạt được sau gần 2 năm kể từ khi mang tên MBS, theo bà Nga, là Công ty đã xây dựng được mô hình tổ chức hiệu quả, hình thành hệ thống văn hóa nội bộ, giáo dục nhân sự chặt chẽ để tăng cường tính đoàn kết, gắn bó trong việc thực thi các mục tiêu chung của Công ty. Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm miệt mài củng cố hệ thống, MBS hôm nay đã sở hữu một hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ, khoa học và đây là tài sản quý trong hành trang MBS của ngày mai. Theo bà Nga, với hệ thống quản trị rủi ro hiện có, MBS là một trong những CTCK đi đầu trong việc thực hiện mô hình quản trị rủi ro theo Quyết định 105/2013/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Xác định con người luôn là yếu tố cốt lõi, theo bà Nga, MBS của ngày mai sẽ tiếp tục có chính sách nhân sự và lương thưởng theo hướng khuyến khích sự nỗ lực của từng cá nhân, có các chính sách kinh doanh linh hoạt giúp MBS giữ chân các nhân sự giỏi và từng bước tăng thị phần trong các mảng nghiệp vụ chính của CTCK, đặc biệt là môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Đến MBS hôm nay, cảm nhận đầu tiên vẫn là sự thân thiện vốn có, như một nét đẹp trong văn hóa hoạt động của Công ty. Hình ảnh cây cổ thụ với 5 nhánh lớn được tạo nên từ 5 giá trị cốt lõi (Sáng tạo đi kèm thực tiễn/Tôn trọng và học tập/Mẫn cán/Tinh thần đồng đội/Trách nhiệm và phát triển cộng đồng) tạo nên một điểm nhấn ấn tượng về sức sống của MBS trong lòng khách hàng và đối tác. Dựa trên các giá trị cốt lõi này, MBS đã, đang và sẽ trưởng thành trong một tương lai không xa, xác lập một sức sống bền chặt, vững vàng và tươi sáng.