Tiếp nối thành công của hành trình về nguồn năm 2013 - một nét đẹp văn hóa mà MBS duy trì hàng năm, ngày 18-21/07/2014 vừa qua, đoàn “Về nguồn” dưới sự dẫn đầu của Tổng Giám đốc Trần Hải Hà, đã tới thăm các địa chỉ đỏ - nơi ghi dấu những năm tháng chiến đấu không thể nào quên của Quân đội và Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn
Sau 12 tiếng di chuyển, điểm đến đầu tiên của đoàn Về nguồn 2014 là Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tập 10.263 phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trên tuyến đường Trường Sơn. Khu trung tâm của nghĩa trang trên một ngọn đồi cao 32m là đài tưởng niệm các Liệt sỹ được làm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết 3 mặt thể hiện sự đoàn kết của quân dân Việt Nam. Tại đây, đoàn Về nguồn làm lễ dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Nghĩa trang Quốc gia Đường 9
Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 vừa hoàn thành nâng cấp ngày 12/07/2014. Với việc nâng cấp khu hành lễ trung tâm, khu tháp chuông, tượng đài chiến thắng, nhà khánh tiết và đài tưởng niệm, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 trở thành công trình đồ sộ, mỹ thuật bậc nhất hiện nay. Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn mười nghìn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ…đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thành cổ Quảng Trị
Nằm bên bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị là dấu tích minh chứng cho sự kiện lịch sử 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Để giữ vững Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm, các chiến sĩ Giải phóng quân cùng đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu, anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.,Máu và xương thịt các anh đã hòa vào từng nắm đất, bờ cây, ngọn cỏ nơi đây. Khác với các nghĩa trang liệt sĩ khác, nghĩa trang ở Thành cổ Quảng Trị được ví như nghĩa trang không mộ, Đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành một nấm mộ chung cho những người con đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất bom cày, đạn xới vô cùng khốc liệt này.
Đoàn Về nguồn đặc biệt xúc động với bức thư của Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, chàng sinh viên năm 4 trường Đại học Xây dựng Hà Nội, quê anh ở Thái Bình. Bằng linh cảm không còn trở về anh đã viết cho mẹ già những lời tha thiết yêu thương: “Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh, mẹ ơi hãy lau nước mắt… Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc…”.
Ngã ba Đồng Lộc
Điểm đến cuối cùng của đoàn Về nguồn 2014 là Ngã ba Đồng Lộc. Nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, Ngã ba Đồng Lộc như một cổ họng, mọi con đường từ bắc vào nam đều phải vượt qua đây. Chính vì Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nên trong chiến tranh phá hoại, kẻ địch âm mưu ném bom huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Trưa ngày 24/07/1968, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đang tránh bom khi đang làm nhiệm vụ, tất cả đã chết khi tuổi đời còn rất trẻ.
Ngày cuối trước khi lên đường trở về Hà Nội kết thúc hành trình qua các địa chỉ đỏ, đoàn đã tới thăm quan Tượng đài bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh tại TP. Vinh.
Hành trình về nguồn 2014 đã kết thúc mang lại nhiều cảm xúc cho mỗi thành viên tham gia đoàn, nhưng trong mỗi người đều hiểu rõ được sự hy sinh vô cùng lớn lao của thế hệ đi trước cho một đất nước Việt Nam hòa bình, êm ấm như ngày hôm nay.