Quay lại

Trong vài năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng đối với các nhà sản xuất đa quốc gia trong bối cảnh có sự dịch chuyển mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Do đó, khu công nghiệp được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhất từ quá trình dịch chuyển. Tuy nhiên, sau năm 2019 bùng nổ, nhóm doanh nghiệp (DN) này lại khiến giới đầu tư khá “sốc” với kết quả kinh doanh năm 2020 “thường thường”.

Kết quả kinh doanh "gây sốc"

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco, mã: ITA) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020 với đà suy giảm ở cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với năm 2019.

Theo đó, trong quý cuối năm, doanh thu của nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Itaco báo lỗ hơn 10 tỷ đồng trong kỳ.

Lũy kế cả năm 2020, Tân Tạo ghi nhận 643 tỷ đồng doanh thu, chỉ tương đương 1/2 số thu năm 2019. Tuy nhiên, nhờ việc tiết giảm một loạt chi phí, nên lợi nhuận trước thuế của DN vẫn đạt 177 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019 và đương nhiên không đạt mục tiêu đã đề ra.

Lý giải mức doanh thu khiêm tốn, ban lãnh đạo Itaco cho biết, do quý IV/2020 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến kết quả thu hút đầu tư đạt tỷ lệ thấp, dẫn tới số thu trong quý và cả năm 2020 đạt thấp.

Không chỉ Itaco có kết quả kinh doanh gây thất vọng. CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam (Vinaruco, mã: VRG) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 với lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn gần 161 triệu đồng, trong khi cùng kỳ là hơn 28 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, Vinaruco đạt tổng doanh thu gần 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 11 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 60% và 41% so với năm trước. So với kế hoạch đã đề ra, DN cũng chỉ thực hiện được 28% về doanh thu và 36% về lợi nhuận.

Một “ông lớn” ngành khu công nghiệp là Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) cũng có một năm không hoàn thành kết quả kinh doanh. Theo đó, doanh thu chỉ đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 32,8% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, giảm 71,4%.

Tình hình kinh doanh kém sắc cũng được ghi nhận tại những DN kinh doanh bất động sản khu công nghiệp khác như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM), Tổng công ty IDICO - CTCP (mã: IDC), CTCP Sonadezi Long Thành (mã: SZL)…

Hiện chỉ có CTCP Sonadezi Châu Đức (mã: SZC) và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) là những DN hiếm hoi ghi nhận lãi trong năm 2020. Thế nhưng, kết quả khởi sắc chủ yếu từ lãi cho vay và các khoản lợi nhuận khác.

Cân nhắc đầu tư

Thực tế, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ITA đã có những phiên "dựng đứng" ngay từ giữa năm 2020 bởi sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào làn sóng dịch chuyển các nhà sản xuất trên thế giới sang Việt Nam và quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thu hút vốn FDI.

Kể từ tháng 4/2020 giá cổ phiếu ITA duy trì đà tăng liên tục, có những phiên kịch trần giao dịch ở mức 8.500 đồng/cp, tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm 2020 (giao dịch xung quanh mức 2.000 đồng/cp).

Hiện, ITA đã có sự điều chỉnh về vùng giá hơn 6.000 đồng/cp do kết quả kinh doanh “bi đát”, cùng tâm lý tiêu cực từ thị trường do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với một năm trước.

Trong khi đó, chỉ trong gần 1 tháng đầu năm, cổ phiếu KBC đã tăng gần 100% so với thời điểm cuối năm 2020 đạt 45.550 đồng/cp với thanh khoản cao đột biến. Tuy nhiên, cũng giống với ITA, do chịu sự tác động của thị trường chung và kết quả kinh doanh, KBC cũng đảo chiều giảm mạnh trong những phiên giao dịch cuối tháng 1 xuống còn quanh vùng giá 33.000 đồng/cp.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các cổ phiếu khu công nghiệp khác như BCM, SZL, SIP…

Nhìn vào đây có thể thấy, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành khu công nghiệp trong thời gian qua chủ yếu đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư, tức là tin tưởng vào điều sẽ diễn ra trong tương lai. Mà tương lai thì thường khó đoán định.

Về tổng thể, năm 2021, nhóm ngành DN bất động sản khu công nghiệp vẫn được đánh giá là còn nhiều triển vọng, nhất là đối với những DN còn nhiều quỹ đất cho thuê.

Kỳ vọng tiếp nối kỳ vọng, nhưng những gì đã diễn ra đối với kết quả kinh doanh của nhóm DN này đã phản ánh rõ nét nhất diễn biến từ việc có cơ hội và tận dụng được lợi thế ngành để biến thành kết quả thực sự hay không lại là chuyện khác.

Chưa kể, từng DN sẽ có sự phân hóa rõ ràng dựa trên các yếu tố về quỹ đất, mô hình quản trị cũng như khả năng xoay xở dòng tiền trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Do đó, các nhà đầu tư cần có sự thận trọng hơn khi đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, đặc biệt là quan tâm hơn đến các con số tài chính, nợ vay, sự luân chuyển của dòng tiền.

Ngoài ra, cổ phiếu ngành này cũng đối mặt với một số rủi ro như sự trì hoãn trong phê duyệt ở một số dự án khu công nghiệp trong tương lai; khả năng chính sách thuế của Mỹ gia tăng đối với các sản phẩm của Việt Nam... Đáng chú ý, còn nhiều cổ phiếu trong nhóm mới niêm yết trên sàn UPCoM, dẫn đến việc tồn tại hạn chế trong công bố thông tin chi tiết cho nhà đầu tư…

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang