Quay lại

Kỳ vọng phục hồi

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.016.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với cùng kỳ 2022. Nhiều dự báo cho rằng sức cầu tiêu dùng trong nước sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm khi các chính sách vĩ mô dần được phản ánh.

Cụ thể, từ ngày 1-7-2023 mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được điều chỉnh tăng 20% từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Cũng từ 1-7-2023, nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng được Quốc hội chấp thuận giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Các yếu tố này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng sức cầu cho nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lạm phát và lãi suất trong xu hướng giảm cũng góp phần hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng. Đồng thời, sự phục hồi trong xuất khẩu (dự kiến vào quí 4-2023) có thể sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng từ cuối năm 2023 đến năm 2024.

Bên cạnh sức cầu hồi phục, hoạt động của ngành bán lẻ nhiều khả năng cũng dần “dễ thở” hơn nhờ tỷ suất lợi nhuận mở rộng trong nửa cuối năm 2023 khi cạnh tranh về giá cả bớt khốc liệt hơn và chi phí lãi vay thấp hơn. Cạnh tranh về giá và áp lực lạm phát cao đã siết chặt tỷ suất lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023.

Cạnh tranh về giá thể hiện rõ ràng nhất đối với sản phẩm iPhone của Apple, vì các doanh nghiệp bán lẻ đang phải chịu áp lực giải phóng hàng tồn kho cũ trước khi mẫu mới ra mắt (dự kiến vào tháng 10-2023).

Sản phẩm của Apple chiếm 40-50% doanh thu của FPT Shop, khoảng 13% doanh thu của Điện máy Xanh và Thế giới Di động, 20% doanh thu của DGW. Do FPT Shop có tỷ trọng sản phẩm của Apple ở mức cao và sản phẩm này có tỷ suất lợi nhuận thấp nên việc cạnh tranh về giá đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động của FRT trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, một khi hàng tồn kho được giải phóng (vào tháng 9-2023 trước khi mẫu iPhone tiếp theo được ra mắt), kỳ vọng hiệu quả tài chính của FPT Shop có thể phục hồi với tốc độ nhanh hơn so với các công ty cùng ngành từ nền so sánh thấp.

Ở khía cạnh khác, triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty.

Tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại của ngành ICT & CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) hiện ở mức cao (khoảng 70-75% tổng nhu cầu toàn thị trường).

Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập vào kênh thương mại hiện đại đối với mảng bách hóa và dược phẩm hiện vẫn còn rất nhỏ (mới ở mức 14% và 5% tổng nhu cầu thị trường). Riêng mặt hàng trang sức có thương hiệu, tỷ lệ thâm nhập vào khoảng 60% tổng nhu cầu.

Do đó, đối với thời hạn đầu tư 2-3 năm, hai cổ phiếu MWG và FRT được nhiều nhà đầu tư ưa thích do các công ty này vận hành chuỗi cửa hàng bách hóa và dược phẩm. Về huy động vốn, các công ty có thể tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài để tài trợ cho việc mở rộng cửa hàng.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đã có lãi nên FRT có thể phải tăng vốn trong thời gian tới để mở rộng mạng lưới cửa hàng lên 3.000 cửa hàng (so với 1.234 cửa hàng tính đến tháng 5-2023). MWG cũng sẽ huy động vốn để mở rộng quy mô Bách hóa Xanh khi chuỗi này tiếp cận điểm hòa vốn.

Giá cổ phiếu bứt tốc

Trên sàn chứng khoán, giá các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ như MWG, FRT, DGW… đã bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Điển hình như DGW, kết phiên ngày 17-7-2023, DGW đóng cửa quanh vùng giá 49.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 21% chỉ sau hơn một tuần giao dịch. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu bán lẻ này trong chín tháng qua.

So với thị giá hồi cuối tháng 3 năm nay, DGW đã bứt phá xấp xỉ 70%, vốn hóa thị trường cũng tăng thêm gần 3.400 tỉ để cán mốc 8.186 tỉ đồng. Cổ phiếu DGW tăng mạnh trước nhiều kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã tạo đáy trong quí 1-2023 và sẽ dần phục hồi trong giai đoạn tới.

Theo nội dung cuộc họp trực tuyến của Công ty Chứng khoán SSI với DGW vào cuối tháng 6-2023, trong quí 2-2023, DGW dự kiến đạt doanh thu thuần và thu nhập ròng lần lượt là 4.100 tỉ đồng và 82 tỉ đồng, giảm lần lượt 16% và 40% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo DGW cho rằng doanh thu nửa cuối năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ sự kiện Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.

Tương tự, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động cũng đã tăng giá liên tiếp để tiến lên mức giá quanh 48.000 đồng/cổ phiếu, qua đó thiết lập mốc giá cao nhất trong vòng hơn năm tháng kể từ đầu tháng 2.

Vốn hóa của MWG cũng nhanh chóng tăng thêm 8.900 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 71.900 tỉ đồng. Tính từ đầu tháng 6, cổ phiếu MWG đã chứng kiến mức tăng nhanh chóng hơn 25%. Đáng nói, cổ phiếu này từng có giai đoạn “lình xình” quanh vùng đáy vài chục tháng trước khi bật tăng trở lại từ cuối tháng 5 tới nay.

Nhìn chung, sau khi thực hiện tái cơ cấu Bách hóa Xanh, từ việc thay đổi định vị từ “Chợ hiện đại” thành “Siêu thị mini”, đơn giản mô hình cửa hàng, giảm số lượng SKU, chỉ giữ lại mặt hàng có tần suất tiêu dùng cao cho tới phát triển “phần mềm máy tính” thay thế con người trong việc ra quyết định, kết quả đem lại khá tích cực.

Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, tính riêng tháng 5, doanh thu hai chuỗi này tăng 4% so với tháng 4 trước đó, chủ yếu là nhờ tăng trưởng doanh thu mảng máy lạnh.

Nhìn chung, MWG sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi Bách hóa Xanh đến điểm hòa vốn trong năm 2024. Tuy nhiên, nhiều khả năng những gì xấu nhất về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã được phản ánh trong quí đầu năm.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang