Quay lại

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3/2020 của SZC có sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ kết quả tích cực của nửa đầu năm, nên sau 9 tháng SZC đã vượt 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Cụ thể theo báo cáo kinh doanh quý 3/2020, SZC đạt doanh thu 89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 37 tỷ đồng, lần lượt giảm 49% và 44% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả đi xuống, theo doanh nghiệp này, là bởi dịch COVID-19 khiến khách hàng thuê đất gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Cụ thể trong quý 3 năm 2020, SZC chỉ đạt doanh thu cho thuê đất và phí quản lý gần 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 gần 155 tỷ đồng. Hiện tại, các tin tức về vắc-xin COVID-19 ngày càng khả quan, viễn cảnh thế giới khống chế được dịch bệnh ngày càng gần.

Cùng với đó, nhu cầu lớn về khu công nghiệp (KCN) đối với các công ty chuẩn bị chuyển sản xuất sang Việt Nam vẫn tiếp diễn. Do đó, kỳ vọng nhu cầu về đất KCN tiếp tục có nhiều triển vọng trong năm 2021 nhờ quy hoạch mới của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng diện tích các KCN mới trong tương lai, cơ sở hạ tầng ngày càng kết nối thuận tiện hơn và giá đất thuê KCN tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực sẽ là lợi thế để thu hút FDI.

Với lĩnh vực chính là ngành BĐS KCN, trong thời gian 9 tháng đầu năm 2020, SZC đã tích cực đẩy mạnh hoàn thiện các dự án KCN và khu đô thị (KĐT), chủ yếu là KCN và KĐT Châu Đức. Hiện chi phí xây dựng dở dang chiếm 77,5% tổng tài sản của SZC, tăng từ mức 68,1% của đầu năm 2020. Chi tiết khoản mục chi phí xây dựng dở dang đã tăng thêm gần 870 tỷ đồng, tương ứng tăng 38% so với đầu năm nay. Trong đó tổng chi phí bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng SZC đã đầu tư vào KCN và KĐT Châu Đức là 2.833 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí xây dựng dở dang cao như SZC thì việc sử dụng nguồn tiền nào là rất quan trọng vì liên quan đến chi phí nguồn vốn. Nguồn tiền SZC đã đầu tư vào KCN và KĐT Châu Đức có 34,5% là nguồn tiền vay dài hạn ngân hàng với lãi suất 7- 9,5%/năm, thời gian đáo hạn là 2- 6 năm. Lãi suất này thấp hơn đáng kể so với nhiều doanh nghiệp BĐS khác đang huy động bằng phát hành trái phiếu với lãi suất 10,5- 14%/năm.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, SZC vẫn có những khó khăn nhất định, đó là vấn đề tiền và các khoản tương đương tiền đang có xu hướng giảm liên tiếp sau các quý. Cụ thể đến cuối quý 3/2020, SZC chỉ còn 215 tỷ đồng, giảm nhiều so với con số cuối quý 2 là 236 tỷ đồng, cuối quý 1 là 258 tỷ đồng và đầu năm 2020 là 291 tỷ đồng. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến dòng tiền hoạt động triển khai dự án KCN và KĐT Châu Đức. Tính đến cuối quý 3, SZC có khoản phải trả người bán ngắn hạn là 352 tỷ đồng, trong đó phần lớn là phải trả cho Hội đồng bồi thường huyện Châu Đức với số tiền là 266 tỷ đồng.

Biểu đồ giá cổ phiếu SZC

Về diễn biến cổ phiếu, trong năm 2020 cổ phiếu SZC là một trong số các cổ phiếu được giao dịch tích cực nhất trong ngành BĐS KCN với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên khoảng 1 triệu cổ phiếu. So với vùng đáy được thiết lập khi bắt đầu dịch COVID-19, giá cổ phiếu SZC đã tăng 150%. Sóng điều chỉnh của SZC xuất hiện thường được bật lại khi gặp ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Sau đó giá cổ phiếu SZC lại tiếp tục 1 sóng tăng mới vượt đỉnh trước đó.

Hiện giá cổ phiếu SZC đang giao dịch quanh ngưỡng 30.000 đ/cp, cao hơn 15% so với vùng đỉnh năm 2019. Tuy nhiên trên cơ sở phân tích kỹ thuật, từ đầu tháng 12/2020 giá cổ phiếu SZC thường xuất hiện các kiểu mẫu hình nến với bóng trên dài, giá đóng cửa ngày thấp hơn đáng kể so với đỉnh của ngày và nằm sát vùng đáy ngày. Điều này hàm chứa lực cung chốt lời đang rất mạnh. Xu hướng này cũng dễ hiểu khi cổ phiếu SZC đã tăng rất nhiều nên dễ dẫn đến tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư và nó cũng phù hợp với xu hướng chốt lời của phần lớn các cổ phiếu đã tăng mạnh khác trên thị trường. Vì vậy trong ngắn hạn, khả năng cao là giá cổ phiếu SZC sẽ có xu hướng đi ngang hoặc điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 28.000 đ/cp.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang