Quay lại

Từ vùng giá đáy 5.000 đồng/cp, POM đã cán mốc 14.050 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 2/12. Tuy nhiên đến phiên ngày 4/2, POM tiếp tục giảm sàn xuống 13.650 đồng/cổ phiếu. Phiên ngày 7/12 cổ phiếu này tiếp tục rơi tự do xuống còn 12.700 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư tranh nhau bán, lệnh bán chất đầy sàn lên tới 467 ngàn đơn vị.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng trong thời gian qua, cổ phiếu POM đã được đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Bởi báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 của POM cho thấy lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 âm 150,678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2020 âm 164,465 tỷ đồng. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ban hành quyết định số 178/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo.

Trong quý 3/2020, POM đã đưa vào vận hành hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao (BF) và lò điện công nghệ Consteel sản xuất từ quặng. Công suất hệ thống lên đến 1 triệu tấn sản phẩm thép được luyện từ quặng, sạch tạp chất. Nhờ vậy, kết quả kinh doan quý 3 đã có chút khởi sắc khi doanh nghiệp này lãi ròng 16 tỷ đồng. 

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt về ngành thép cho thấy, về thị phần, mảng thép xây dựng chứng kiến sự thay đổi tương đối lớn. Cụ thể, thị phần của Thép Hoà Phát (HPG) đã tăng mạnh mẽ từ 26% năm 2019 lên 33% trong 9 tháng năm 2020. Nhờ sản lượng tăng thêm từ Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, Thép Hòa Phát đã đẩy mạnh tiêu thụ tại miền Nam và tăng thị phần tại thị trường này từ 14% lên 24% trong 9 tháng năm 2020.

Trong khi đó, POM và các công ty khác trong ngành chứng kiến thị phần trong ngành thép xây dựng giảm mạnh. Cụ thể, thị phần của POM giảm từ 8% trong 9 tháng đầu năm năm ngoái xuống còn 7% trong 9 tháng đầu năm nay. Sang tháng 10/2020, POM tiếp tục duy trì thị phần thép xây dựng ở mức 7%, đứng sau Vina Kyoei, VNSteel và Hoà Phát. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng 10 tháng đầu năm nay của POM đạt 583.506 tấn, giảm 18% so với năm 2019.

Theo các chuyên gia phân tích tài chính, tình trạng thua lỗ của POM kéo dài liên tục 6 quý cho đến qúy III/2020 mới bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của POM đạt 7.275 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ sau thuế gần 128 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, POM còn lỗ luỹ kế hơn 437 tỷ đồng. Với tình trạng này, POM khó thoát lỗ trong năm nay và nguy cơ cổ phiếu này rơi tự do là hiện hữu.

Lợi nhuận sau thuế của POM âm qua nhiều năm.

Trong quý 4/2020, nếu POM không khắc phục được tình trạng thua lỗ, sẽ bị HOSE chuyển sang tình trạng kiểm soát và hạn chế giao dịch.

Theo Chuyên gia phân tích chứng khoán Nguyễn Hoàng Minh, các cổ phiếu bị rơi vào diện cảnh báo, chuyển sang bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt thường có diễn biến “rất bi đát”, theo đó, giá cổ phiếu sẽ bị hạn chế giao dịch, thanh khoản kém và nhà đầu tư khó có cơ hội lấy lại tiền đã đầu tư vào những cổ phiếu này. 

Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào cổ phiếu POM, đồng thời tranh thủ nhịp phục hồi, nếu có, để tất toán trạng thái đầu tư cổ phiếu này để tránh rủi ro. 

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang