Quay lại

Do tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới nên nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may nói chung và BDG nói riêng gặp không ít khó khăn. Thị trường tiêu thụ của BDG chủ yếu là Mỹ và Châu Âu hiện chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, nên nguồn hàng của Công ty đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Sản lượng của BDG trong năm 2020 dự kiến sụt giảm 42% so với năng lực sản xuất.

Do các khách hàng truyền thống của BDG ở 2 thị trường chủ chốt nói trên nên BDG đã và đang chú trọng tìm kiếm nguồn hàng gia công như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế… để duy trì lực lượng sản xuất chờ nền kinh tế thế giới phục hồi. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của BDG trong 9 tháng đầu năm nay, dù giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn vượt xa kế hoạch đã đề ra.

BDG vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Theo đó, doanh thu thuần đạt hơn 327 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, giá vốn hàng bán giảm tới gần 25% nên lợi nhuận gộp đạt tới hơn 61 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp của BDG giảm tới 60% so với cùng kỳ, xuống mức chỉ còn khoảng 16 tỷ đồng. Theo đó, BDG đạt lãi ròng quý 3 hơn 25 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2002, BDG đạt doanh thu thuần hơn 899 tỷ đồng, giảm 17% và lãi ròng 78 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết trong năm 2020, BDG đặt kế hoạch doanh thu 712 tỷ đồng và lãi ròng chỉ đạt 4 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm nay, BDG đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và lãi ròng cao gấp gần 20 lần kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh khả quan ngoài dự kiến, BDG đã lấy kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi tỷ lệ chia cổ tức năm 2020. Theo đó, BDG dự kiến tăng tỷ lệ chia cổ tức của năm 2020 từ 5%/vốn điều lệ lên mức 50%/vốn điều lệ. Việc tạm ứng cổ tức năm 2020 sẽ được thực hiện vào tháng 12 với tỷ lệ 40%/vốn điều lệ.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan. Bởi nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu vào Trung Quốc, trong khi theo quy định của EVFTA, thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam, hoặc nhập khẩu từ các thành viên của EU, hoặc từ những nước đã có FTA với Châu Âu, như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ với BDG khi mà EU đang là khách hàng lớn của doanh nghiệp này.

Kể từ khi công bố kết quả kinh doanh tích cực nói trên, giá cổ phiếu BDG đã tăng khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/12, cổ phiếu BDG đóng cửa ở mức 39.800đ/cp, với khoảng 1.600 cổ phiếu được khớp lệnh. Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu BDG đã tăng hơn 10%.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số Stochastic, RSI… cho thấy cổ phiếu BDG đã nằm trong vùng vượt mua, nên có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Theo đó, nếu cổ phiếu BDG vẫn trụ trên mức 30.000đ/cp (MA100), thì vẫn còn cơ hội bứt phá xa hơn nữa, nhất là khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi ở Mỹ và Châu Âu- hai thị trường xuất khẩu chủ lực của BDG.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang