Quay lại

Dù đã có vài phiên rung lắc trong tuần qua nhưng với sức mạnh của dòng tiền, dòng vốn giá rẻ đã đẩy thị trường chứng khoán đi từ cao trào này đến cao trào khác. So với đầu năm 2020, VN-Index hiện có mức tăng gần 25%, còn so với đáy tháng 3/2020 đã ghi nhận mức tăng 80%. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Thị trường đang giằng co mạnh tại gần vùng đỉnh lịch sử 1.200 khiến diễn biến ngắn hạn khá trung tính với rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn vẫn để ngỏ. Dù vậy, với xu hướng tăng điểm vẫn đang giữ vai trò chủ đạo, tôi nghiêng về khả năng sớm vượt vùng đỉnh 1.200 của chỉ số trong tuần tới.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Các chỉ số hai sàn cùng tăng điểm sau phiên kiểm định hỗ trợ MA5, qua đó củng cố các tín hiệu kỹ thuật tích cực. Với phiên tăng này, VN30 đã chạm vào kháng cự đỉnh lịch sử tại 1185 điểm trong khi HNX-Index vượt đỉnh 10 năm tại 223 điểm.

Dự báo trong phiên tới, thị trường có thể duy trì quán tính tăng điểm để VN30 kiểm định lại mốc 1185 điểm còn VN-Index kiểm định vùng 1200-1210 điểm. Sự rung lắc sẽ tiếp tục diễn ra ở vùng giá cao, tiềm ẩn khả năng điều chỉnh giảm sau đó. Nhà đầu tư theo đó tiếp tục được khuyến nghị vị thế nắm giữ ở thời điểm hiện tại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Khép lại tuần giao dịch thứ 2 trong năm mới, TTCK Việt Nam nằm trong Top các thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới theo khung thời gian 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng và kể từ đầu năm cho tới nay.

Với việc kiểm soát đại dịch covid-19 thành công, tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới và nền lãi suất thấp còn có thể kéo dài trong năm nay, TTCK sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn và là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư.

Tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 11 liên tiếp của chỉ số VN-Index, chỉ số này đang có nhiều cơ hội để phá vỡ chuỗi tăng dài kỷ lục 12 tuần liền được thiếp lập năm 2006. Về xu hướng dài hạn, giới đầu tư cũng như các chuyên gia đều kỳ vọng một năm 2021 tích cực hơn và ngưỡng lịch sử 1.200 điểm không phải là đỉnh cuối cùng.

Trong tuần tới, hiện tượng phân hóa cổ phiếu có thể tiếp tục diễn ra, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm Midcap và Smallcap, đây cũng là tuần tăng tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của 2 nhóm cổ phiếu này với mức tăng bình quân 5%.

Hiện tượng này cũng là lý do khiến thị trường chưa thể vượt ngưỡng 1.200 điểm trong tuần vừa qua khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang gặp ngưỡng cản mạnh. Theo thống kê trên sàn HSX, hiện có tới 67% số cổ phiếu đã vượt đỉnh 1.200 điểm thành công, chủ yếu tập trung ở nhóm Midcap 68% và Smallcap 69% trong khi nhóm Vn30 mới chỉ có 44%.

Đâu là nhân tố khiến VN-Index tạo khả năng vượt đỉnh lịch sử trong một vài phiên tới?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Vùng 1.200 được xem là cột mốc lịch sử và là chốt chặn quan trọng của thị trường tại thời điểm hiện tại. Dù vậy, tôi lạc quan cho rằng thị trường sẽ sớm bứt phá khỏi mốc này để hướng tới những mốc cao hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ đáng chú ý bao gồm: 1) yếu tố ngoại biên thuận lợi khi các NHTW vẫn cho thấy tín hiệu duy trì trạng thái siêu nới lỏng cùng với việc tổng thống mới của nước Mỹ, ông Biden, vừa công bố gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn; 2) rủi ro Việt Nam bị Mỹ áp thuế giảm dần sau những phản ứng kịp thời của NHNN; 3) triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2021; và 4) dòng tiền mới tiếp tục đổ vào thị trường

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Các điều kiện về thị trường để củng cố cho khả năng vượt đỉnh đều hội tụ: về thanh khoản luôn ở mức cao, thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh đạt 810,6 triệu USD khi nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các mã tài chính.

Về nguồn tiền, tiếp tục chảy mạnh vào thị trường với số lượng tàu khoản nhà đầu tư mở mới vượt đỉnh quá khứ.

Ngoài ra, chỉ số tăng 2,3% tính chung cả tuần – tuần tăng điểm thứ 11 liên tiếp thể hiện yếu tố tâm lý tích cực của nhà đầu tư, đồng thuận với thị trường tăng. Do vậy, việc thị trường vượt đỉnh lịch sử trong 1 vài phiên tới sẽ xảy ra vì đã có thời điểm trong tuần vừa rồi thị trường đã áp sát mốc 1.200 điểm.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Như đã phân tích ở trên, gần 70% số cổ phiếu ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đã vượt đỉnh 1.200 điểm thành công trong khi con số này chỉ 44% ở nhóm Vn30. Như vậy, việc thị trường chưa vượt đỉnh lịch sử là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa đủ mạnh hoặc đang chững lại trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang duy trì được quán tính rất cao.

Nhìn chung, điểm số thị trường vẫn tiếp tục tăng trên nền thanh khoản ngày càng lập kỷ lục mới là dấu hiệu cho thấy thị trường đang rất khỏe và khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm có thể sẽ trong vài phiên sắp tới, nhóm cổ phiếu trụ sẽ là chỉ báo cho tín hiệu này.

Khả năng này càng được củng cố khi ở phiên cuối tuần, nhóm Vn30 đã lấy lại đà tăng tốt sau 3 phiên chững lại trước đó và thanh khoản cũng đạt mức cao nhất trong 4 phiên vừa qua.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tiếp tục gia tăng, thanh khoản “khủng” đã dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, thường diễn ra ở phiên chiều. Đây cũng là vấn đề được thị trường quan tâm trong thời gian vừa qua. Quan sát thị trường, ông/bà có bình luận gì về hiện tượng này, và điều này có tác động như thế nào đến tâm lý nhà đầu tư?

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Dòng tiền giao dịch sôi động và đột biến đã tạo nhiều phiên nghẽn lệnh, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử, và vấn đề này khó có thể được giải quyết cho đến khi hệ thống giao dịch mới được áp dụng.

Tôi cho rằng hiện tượng nghẽn lệnh ít nhiều sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư và mang tới sự khó lường. Trong giai đoạn thuận lợi của thị trường, việc nghẽn lệnh có thể tạo tâm lý “sớm đua lệnh” ngay từ phiên sáng và góp phần thúc đẩy thị trường diễn biến khởi sắc hơn. Ngược lại, trong giai đoạn tiêu cực, thì tôi e ngại rằng hiện tượng nghẽn lệnh có thể khiến diễn biến bán tháo trở nên trầm trọng hơn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Đây là yếu tố hầu như không ai ngờ tới khi thị trường tăng điểm với thanh khoản tăng vọt thì yếu tố kỹ thuật và hệ thống lại là điểm trừ, về lâu dài đây cũng là yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư lo sợ khi thị trường tăng cao sẽ kg bán được để chốt lời vì nghẽn lệnh nên sẽ có tâm lý “ăn non“ hơn và nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến tâm lý dồn nén và giảm sự hưng phấn của nhà đầu tư, sẽ không có lợi cho thị trường.

Chúng tôi cũng hy vọng những nhà quản lý mau chóng tìm ra giải pháp cũng như đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và chuyển đổi hệ thống mới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Rủi ro này xuất phát từ năng lực của hệ thống, do vậy nhà đầu tư phải chấp nhận "sống chung với lũ" và chờ đợi cơ quan chức năng xử lý. Tôi cho rằng đây cũng là rủi ro bất khả kháng, điều quan trọng là hiện tượng này không làm ảnh hưởng đến xu hướng đang tăng mạnh mẽ của thị trường.

Ban đầu, tâm lý nhà đầu tư có phần bất an nhưng cũng không quá 2 phiên nhà đầu tư dần trở thành “quen”. Nó cũng là hiện tượng thú vị khi khả năng thị trường giảm còn ít hơn khả năng tăng do năng lực hệ thống có giới hạn, lực bán hoàn toàn bị hấp thụ bởi lượng thanh khoản “khủng” như hiện nay.

Trong phiên cuối tuần, sàn HSX lập kỷ lục thanh khoản mới với hơn 16.296 tỷ đồng và hệ thống đã có phần trơn tru hơn, tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ hơn.

Dòng tiền không chỉ lan tỏa đều đến các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, xây dựng, bất động sản…mà chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu penny như CIG, MCG, SJF.... Ở thời điểm này, ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu nhỏ hay các cổ phiếu mang tính đầu cơ? (Đâu là chiến lược đầu tư của các ông/bà ở thời điểm hiện tại?)

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi cho rằng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với nhiều nhóm cổ phiếu penny đang hấp dẫn hơn so với rủi ro của nhóm này bởi 1) diễn biến thị trường chung đang khá thuận lợi với việc dòng tiền đang lan tỏa dần ra khắp thị trường, bao gồm nhóm cổ phiếu penny; 2) nhiều mã cổ phiếu penny có những “câu chuyện riêng” và tiềm năng tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế đi vào giai đoạn phục hồi.

Dù vậy, khi thị trường còn đang rung lắc tại ngưỡng kháng cự quan trọng 1.200 thì nhà đầu tư vẫn cần kiểm soát tỷ trọng nhóm cổ phiếu penny ở mức vừa phải để cân đối rủi ro cho danh mục chung.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược Thị trường, CTCK MBS

Hiện tượng phân hóa cổ phiếu sẽ ngày càng rõ hơn, xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu và vừa nhỏ là khá rõ ràng trong 2 tuần vừa qua và quán tính sẽ còn tiếp diễn, tuy vậy tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn nên duy trì. Nắm giữ cổ phiếu thay vì lướt sóng là chiến lược có thể áp dụng ở thời điểm này, khi thị trường vượt đỉnh lịch sử khả năng dòng tiền quay lại nhóm bluechips sẽ cao hơn so với nhóm midcap và smallcap.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang