Quay lại

Mặc dù có phiên rung lắc nhưng sự thăng hoa và lan tỏa của dòng tiền trong thị trường chung giúp VN-INDEX vượt dứt khoát ngưỡng kháng cự tâm lý 1200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 7, chỉ số VN-INDEX vẫn đạt 1207,64 điểm, ghi nhận tăng gần 8% từ đầu tháng. Chuyển động thị trường trong tuần đầu của tháng 8 sẽ nghiêng về xu hướng nào, theo cảm nhận của ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Về cơ bản, xu thế tăng điểm hiện tại vẫn khá vững chắc khi không quá nóng và có sự xen kẽ giữa các nhóm ngành, đồng thời có sự hỗ trợ rất lớn từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VNM...

Nhiều khả năng tuần đầu tháng 8 xu thế tăng theo dạng bò dần lên vẫn chiếm ưu thế chủ đạo, tuy nhiên các nhịp điều chỉnh xen kẽ có thể diễn ra.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc ban đầu tư, Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội

Thật khó với câu hỏi này. Thị trường đã có biến động tại mốc 1.200 điểm nhưng áp lực bán dường như chưa đủ mạnh tạo ra nhịp điều chỉnh lớn. Tuy nhiên ở chiều tăng thì có vẻ như nhiều cổ phiếu đã được kéo khá căng nếu: (1) xét về mức độ tăng giá trong thời gian ngắn khi có nhiều mã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3; (2) rất nhiều cổ phiếu tăng vượt đỉnh đỉnh của đỉnh; (3) định giá không còn hấp dẫn. Nhưng xét về dư địa để tăng thì nhóm Ngân hàng còn dư địa và chưa tăng giá nên có thể Ngân hàng sẽ làm bệ đỡ. Kịch bản này xảy ra thì VN-Index sẽ có cơ hội bò lên vùng cao mới.

Không dễ để đoán đỉnh ngắn hạn của thị trường khi dòng tiền đang có phần tích cực quá đà. Sau nhiều phiên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch sôi động khiến chỉ số giằng co, dòng tiền nhập cuộc tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Một cách tổng quan, ông/bà có góc nhìn như thế nào về diễn biến thị trường cũng như chuyển động của dòng tiền trong tháng 8?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Những thông tin về kinh tế vĩ mô hay kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp không ủng hộ đà tăng hiện tại, nhưng lại thúc đẩy dòng tiền tham gia thị trường khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn (gửi tiết kiệm, bất động sản...). Dòng tiền thời gian vừa qua vẫn liên tục xoay vòng giữa các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên, với việc tâm lý lạc quan đang có dấu hiệu lan tỏa rất rộng, trạng thái hưng phấn đang được đẩy dần lên có thể sớm tới mức cao trào. Vì vậy nhà đầu tư cần có sự cảnh giác, rất nên hạn chế mua đuổi bởi một nhịp điều chỉnh rõ ràng và kéo dài có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc ban đầu tư, Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội

Như phần trên tôi phân tích, yếu tố/dư địa cho thị trường tăng không còn nhiều. Nếu nhìn thận trọng hơn thì có thể thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư đang ngày càng tăng lên. Do đó nhìn cho cả 1 tháng cá nhân tôi cho rằng rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt tôi nhấn mạnh đến theo cổ phiếu riêng lẻ. Có nghĩa nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh thời gian qua nhờ thông tin hỗ trợ mà tác động thực sự đến kết quả kinh doanh kém thì rủi ro là cao.

Về chuyển động nhóm ngành, nhóm ngành bán lẻ đang có mức tăng vượt trội xa so với các nhóm ngành còn lại, tiếp đến là nhóm dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, xét về dòng tiền, Bất động sản, Dịch vụ tài chính và Ngân hàng là top 3 nhóm ngành có khối lượng giao dịch vượt trội trong tuần qua. Nếu để chọn danh mục trong ngắn hạn (cụ thể là tháng 8), đâu là nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có nhiều lợi thế, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Các nhóm ngành về cuối năm hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng tốt như Xuất khẩu lương thực, Đầu tư công và Dầu khí sẽ là những lựa chọn hợp lý. Khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì tiềm năng tăng trưởng thị giá cổ phiếu sẽ có sự bền vững hơn dù có thể không mạnh mẽ như một số nhóm ngành đang đón nhận dòng tiền đầu cơ đổ vào (nhưng đi kèm rủi ro cao).

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc ban đầu tư, Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội

Nhà đầu tư đoạn này có tín hiệu tìm cổ phiếu chưa tăng giá bởi sau khi chốt lời lại không dám mua lại lo sợ rủi ro. Thế nên có thể thời gian tới xu hướng này sẽ xuất hiện thay vì tìm một ngành nào đó cụ thể.

Thực tế nữa, dòng tiền hiện nay chạy theo thông tin quá nhạy nên chỉ cần thông tin xuất hiện là dòng tiền tràn sang. Thế nên rất khó nhìn thấy thông tin nào sẽ xuất hiện thời gian này để nhà đầu tư có căn cứ mua cổ phiếu.

Cũng có ý kiến cho rằng, sau một nhịp giao dịch sôi động, thị trường sẽ cần một vài nhịp nghỉ ngơi để xoay vòng các nhóm cổ phiếu trước khi tạo nhịp sóng mới. Quan điểm của ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tất nhiên đó là yếu tố cần thiết để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng bền vững của thị trường. Tôi lưu ý, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn cần quan sát và nhận ra được những thời điểm thị trường tăng nóng để linh hoạt điều chỉnh tỷ trọng hợp lý nhằm tránh những rủi ro. Còn với những nhà đầu tư trung và dài hạn thì nên đặt target cụ thể, tránh việc nhảy ra nhảy vào thường xuyên để bị cuốn theo cảm xúc của thị trường ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc ban đầu tư, Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội

Cá nhân tôi đầu tư là nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh là minh chứng. Hiện tại, thống kê sơ bộ tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh nhưng giá cổ phiếu lại tăng rất mạnh. Đó là nhờ dòng tiền, dòng tiền này chưa tìm được lối ra khi kinh doanh thực đang gặp khó. Nhưng nó khác hẳn những năm Covid nên chúng ta thấy tiền vào không nhiều bởi không phải ai cũng mạnh tay như trước khi đã từng chứng kiến cú đổ đèo năm 2022. Vì thế, khi kết quả kinh doanh còn kém khả quan trong thời gian dài tới đây mà giá cổ phiếu tăng mạnh thì cá nhân tôi là chốt lời và chờ đợi. Thời gian có thể kéo dài và kiên nhẫn đủ sẽ có được hiệu quả.

Trái với giai đoạn trước, khi chỉ số VN-Index chạm đến các ngưỡng mới sau một chu kỳ tăng, nhà đầu tư thường được đưa ra khuyến nghị “chốt lãi” và giảm dần tỷ trọng cổ phiếu thì với diễn biến của thị trường ở giai đoạn hiện tại, phần lớn nhà đầu tư đều nhận được khuyến nghị là “nắm chặt” cổ phiếu. Vậy theo ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Trong giai đoạn thị trường có diễn biến giằng co thì việc “chốt lãi” là phù hợp khi thị giá đạt ngưỡng biên trên và có thể mua lại khi điều chỉnh về biên dưới. Tuy nhiên, khi thị trường đã hình thành xu thế tăng rõ rệt như hiện tại thì việc mua và nắm giữ sẽ có hiệu quả hơn, đặc biệt với những nhà đầu tư không quá thành thạo việc lướt sóng T+.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc ban đầu tư, Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội

Cổ phiếu nào đã xác định là dài hạn (5-10 năm) thì cứ kệ mọi diễn biến của thị trường. Nhưng có những cổ phiếu ngay từ đầu chúng ta xác định là Trading thì nếu như nó đã hội tụ đủ yếu tố đặt ra khi Mua thì việc chốt lời là nên làm.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang