Quay lại

Mặc dù có chút lưỡng lự trong những phiên vừa qua nhưng dòng tiền chảy mạnh đã giúp các nhóm cổ phiếu đua nhau nổi sóng và VN-Index đã chính thức vượt xa mốc 1.030 điểm khi kết phiên hôm qua ngày 9/12.

Theo nhận định của BVSC, sau khi xuyên phá qua vùng kháng cự quanh vùng 1.030 điểm, nhiều khả năng thị trường sẽ chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trong ngắn hạn và thử thách lại vùng 1.030 điểm một lần nữa.

BVSC cho rằng, trong trường hợp VN-Index kiểm định lại được vùng 1.030 điểm thành công, nhiều khả năng đà tăng điểm này có thể sẽ đưa VN-Index tiến tới thử thách vùng kháng cự quanh mức 1.050 điểm. Còn trong trường hợp VN-Index xuyên phá xuống dưới vùng 1.030 điểm, chỉ số có thể sẽ giảm về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.015-1.020 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 10/12, mặc dù diễn biến phân hóa mạnh nhưng dòng tiền sôi động tiếp tục là động lực giúp thị trường tiến bước. Chỉ số VN-Index dễ dàng được nhấc qua mốc 1.040 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, trong nhóm VN30 chỉ có 2 mã lớn là VNM và BID tăng hơn 1% còn lại biến động tăng giảm nhẹ, khiến thị trường chưa thể bứt phá và chỉ biến động lình xình trên vùng giá vừa được thiết lập.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau đợt sóng tăng cao đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều mã như HCM, BVS, CTS, MBS, FTS, SHS, VND… đảo chiều giảm, SSI cũng tăng nhẹ hơn 1%...

Mặt khác, tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi nhà Hoàng Anh Gia Lai HAG - HNG. Ngay khi mở cửa, cả 2 mã này đều giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động, thậm chí HNG được kéo lên kịch trần. Sau hơn 80 phút giao dịch, HAG đang tăng gần 3% lên 4.680 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt hơn 7 triệu đơn vị, còn HNG tăng gần 4% lên 14.350 đồng/CP và khớp hơn 3,1 triệu đơn vị.

Áp lực bán bất ngờ gia tăng về cuối phiên khiến nhiều mã lớn bé quay đầu điều chỉnh, chỉ số VN-Index cắm đầu đi xuống và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng vả 257 mã giảm, VN-Index tăng 0,12 điểm (+0,01%), lên 1.039,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 322 triệu đơn vị, giá trị 6.738,37 tỷ đồng, tăng 3,67% về khối lượng và 15,54% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,89 triệu đơn vị, giá trị 615,63 tỷ đồng.

Một trong những nhân tố chính khiến thị trường thu hẹp biên độ tăng chính là việc nhiều mã lớn quay đầu điều chỉnh giảm như GAS, MSN, TCB, FPT, MBB…, đặc biệt HPG có mức giảm sâu nhất với mức giảm 1,82% xuống 37.800 đồng/CP và khớp 12,54 triệu đơn vị.

Trái lại, VNM vẫn là trụ cột chính hỗ trợ thị trường khi tăng 2,6%, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 112.600 đồng/CP với giao dịch vượt trội, đạt khối lượng khớp lệnh hơn 4,5 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác như VCB, PLX, BID, VRE may mắn giữ được đà tăng nhẹ, cũng phần nào đóng góp cho thị trường giữ nhịp tăng.

Nhóm chứng khoán cũng không nằm ngoài xu thế bởi áp lực chốt lời. Có tới gần 2/3 số mã trong nhóm đã đều quay đầu giảm.

Về thanh khoản thị trường, cổ phiếu HAG vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 14 triệu đơn vị được khớp lệnh và tạm chốt phiên sáng nay tăng 2,56% lên mức 4.800 đồng/CP. Trong khi đó, người anh em HNG không tìm lại được sắc tím nhưng vẫn tăng tốt 3,62% lên 14.300 đồng/CP và khớp 4,32 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau khoảng 1 giờ lình xình ở mốc tham chiếu, HNX-Index đã nới rộng biên độ tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 49 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 1,38 điểm (+0,87%), lên 160,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,64 triệu đơn vị, giá trị 474,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,84 triệu đơn vị, giá trị 91,38 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, cổ phiếu THD vẫn là điểm sáng khi xác lập phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 46.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 88.600 đơn vị.

Như vậy, tính trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu THD đã gấp hơn 2 lần từ mức giá đóng cửa phiên 26/11 tại 22.510 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng tiếp sức cho đà tăng của thị trường như VIF tăng 2,9% lên 17.600 đồng/CP, NVB tăng 1,2% lên 8.400 đồng/CP, VCS tăng 2% lên 80.500 đồng/CP.

Trong khi đó, phần lớn các cổ phiếu trong nhóm HNX30 giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể là sự tác động của các mã lớn lên thị trường như SHB, PVS, NTP, PVB, VCG.

Phiên hôm nay, cổ phiếu CEO có phiên giao dịch đột biến và có thời điểm tăng kịch trần. Tạm chốt phiên sáng, CEO tăng 5,1% lên 8.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau diễn biến giằng co nhẹ trong thời gian ngắn đầu phiên, thị trường đã quay đầu và nới rộng biên độ giảm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,68%), xuống 68,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,53 triệu đơn vị, giá trị 305,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 26,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 685 tỷ đồng, trong đó KLB thỏa thuận 15,37 triệu đơn vị, giá trị 242,92 tỷ đồng và VCP thỏa thuận gần 5,8 triệu đơn vị, giá trị 351,29 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 3,48 triệu đơn vị được giao dịch và chốt phiên tăng nhẹ 1,25% lên 8.100 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã lớn như VEA giảm 1,4% xuống 50.900 đồng/CP, BAB, MSR, MCH… cùng giảm nhẹ

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang