Quay lại

Ghi nhận ở thị trường tiêu thụ gia cầm giáp Tết nguyên đán 2021 tại một số tỉnh, thành phía Nam cho thấy khi nguồn cung bán ra thị trường tăng mạnh đã khiến giá bán ra ở mức thấp làm cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Điển hình như giá gà trắng đang là 29.500 đồng/kg, giá gà lông màu là 44.000 đồng/kg, giá vịt thịt tại các cơ sở chăn nuôi tư nhân là 37.500 đồng/kg.

Người chăn nuôi khó cầm cự

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi gia cầm lại được cho là đang ở mức cao khiến cho giá thành sản xuất lại tăng lên, dẫn đến lợi nhuận của người chăn nuôi không đáng kể, thậm chí chịu lỗ. Chẳng hạn như giá thành chăn nuôi của con gà trắng dao động từ 23.000 - 26.000 đồng/kg, nhưng có lúc giá thu mua ở các trang trại lại dưới giá thành.

Hoặc như giá trứng gia cầm cũng đang ở mức thấp, dù giáp Tết nguyên đán nhưng không có chuyển biến, hiện được bán với giá khoảng 1.700 đồng/trứng. Với mức giá này, người chăn nuôi ở tỉnh Hậu Giang cho biết họ không có lời hoặc thua lỗ bởi chi phí thức ăn đang tăng rất cao. 

Như chia sẻ của bà Ngô Thị Bế, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thì giá trứng trong năm 2020 vừa qua thấp nhất là 1.200-1.300 đồng, cao nhất cũng chỉ 1.800 đồng/trứng. Trong khi đó, giá thức ăn tăng đến lần thứ 3 rồi, còn giá trứng vịt thì vẫn giậm chân tại chỗ nên người chăn nuôi khó cầm cự.

Về tình hình giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN), gần cuối tháng 1/2021, trong công văn gửi các tổ chức, cá nhân sản xuất TĂCN, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) có lưu ý là thời gian gần đây giá nguyên liệu TĂCN, nhất là các loại ngũ cốc liên tục tăng cao và dự báo sẽ còn giữ ở mức cao này đến Quý II năm 2021 gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi trong nước.

Nhằm giảm thiểu tác động bất lợi này, Cục Chăn nuôi đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất TĂCN cần sử dụng tiết kiệm triệt để, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất TĂCN. Hơn nữa, cần tăng cường các giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu (NK).

Cũng theo Cục Chăn nuôi, các tổ chức, cá nhân sản xuất TĂCN nên thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới và trong nước để có giải pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, cần điều chỉnh mức độ và lộ trình thay đổi giá bán TĂCN phù hợp không gây ảnh hưởng nhiều làm xáo trộn sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Có thể nói, một trong những lý do chính lâu nay vẫn chưa giải quyết được, làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nội địa là vấn đề giá cả TĂCN vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu cho chuyện này là phần lớn doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi trong suốt nhiều năm nay phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK.

Vẫn là bài toán khó giải 

Điển hình như ở tỉnh Đồng Nai, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi nội địa và tập trung các nhà máy sản xuất thức ăn cho heo, gà, vịt, thủy sản của DN trong và ngoài nước trong năm 2020 vừa rồi đã chi gần 1 tỷ USD để NK nguyên liệu và TĂCN. 

TĂCN và nguyên liệu cũng là mặt hàng mà Đồng Nai có kim ngạch NK lớn thứ 2 chỉ sau máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Nhất là các DN trong tỉnh NK nhiều bắp - nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN.

Còn tính rộng ra cả nước trong năm vừa rồi đã chi hơn 3,84 tỷ USD để nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 3,75% so với năm 2019. Trong đó, Argentina là thị trường cung cấp lớn nhất (chiếm 40% thị phần), tiếp đến là Mỹ (chiếm 13,16% thị phần).

Qua ghi nhận từ Tổng cục Hải quan thì ở một số thị trường khác tuy chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch NK thức ăn chăn nuôi của Việt Nam nhưng đã là mức tăng trưởng đáng kể trong năm vừa rồi. Chẳng hạn như Chile (tăng 199,49%), Mexico (tăng 69,54%), Nhật Bản (tăng 56,72%), Bỉ (tăng 55,52%)...

Bên cạnh việc phụ thuộc vào nguồn TĂCN và nguyên liệu NK dẫn đến phụ thuộc diễn biến giá trên thị trường thế giới, những đánh giá còn cho thấy giá đầu vào của ngành sản xuất TĂCN có thể sẽ còn gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.

Trong khi đó, không chỉ bản thân người chăn nuôi gặp khó với giá TĂCN mà các DN nội địa trong ngành sản xuất TĂCN cũng đang đối mặt nhiều thách thức lớn trong năm 2021 khi mà thị phần của họ ngày càng nhỏ hẹp so với khối ngoại. 

Một cuộc khảo sát gần đây với các DN trong ngành TĂCN cho thấy, có đến 85,7% số DN bày tỏ sự lo ngại về sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành. Bên cạnh đó, có 71,4% DN nhận định giá hàng hóa nguyên vật liệu, đầu vào tăng và 57,1% DN cho rằng nhu cầu tiêu thụ TĂCN giảm.

Cần thấy rằng, để ngành chăn nuôi nội địa nâng sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà chăn nuôi thì việc hạ giá thành TĂCN, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và TĂCN ngoại nhập là điều cực kỳ quan trọng. Nếu không giải quyết được bài toán này thì những khó khăn của người chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang