Quay lại

Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy 9 tháng đầu năm 2020, chi phí dự phòng của EIB gấp đến 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 267 tỷ đồng, do đó, lãi trước và sau thuế xấp xỉ cùng kỳ với lần lượt gần 1.104 tỷ đồng và hơn 871 tỷ đồng.

Theo kế hoạch điều chỉnh, năm 2020, EIB đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020). Đặc biệt, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận EIB trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020, nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019.

Tính đến cuối quý III/2020, tổng tài sản của EIB giảm 10% so với đầu năm nay, chỉ còn 151.273 tỷ đồng. Đến hết quý III/2020, EIB cũng ghi nhận tăng nợ xấu 29% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh gấp 2,8 lần, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 99%, nhưng bù lại nợ dưới tiêu chuẩn giảm 67%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của EIB tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,46%. 

Đáng chú ý, EIB đã nhiều lần hoãn Đại hội thường niên 2020. Trước thời gian dự kiến diễn ra Đại hội cổ đông thường niên lần 3, chiều ngày 7/12, Eximbank nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung vào ĐHCĐ thường niên lần 3 việc thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5- 7 người. Có thể nói, sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm cổ đông đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Ngân hàng, với kế hoạch kinh doanh năm không được thông qua, không đưa ra được chiến lược kinh doanh mới.

EIB nhiều năm liền không chia cổ tức, không tăng vốn, dù sau nhiều năm ghi nhận lợi nhuận tích cực, ngân hàng không chỉ xóa hết được khoản lỗ lũy kế phát sinh năm 2014 do hạch toán hồi tố điều chỉnh lợi nhuận giai đoạn 2010-2013, mà còn tích lũy được khoản lợi nhuận chưa phân phối đến 30/9/2020 đạt 2.356 tỷ đồng, bằng 18,9% vốn điều lệ.

Chính những lùm xùm nội bộ nói trên là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu EIB luôn trong tình trạng "khát" dòng tiền. Tính đến phiên giao dịch ngày 18/12, cổ phiếu EIB vẫn giao dịch quanh 17.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương thị giá 2 năm trước.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang