Quay lại

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2229/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2); thời điểm thực hiện không muộn hơn ngày 17/2/2021.

Genco2 sẽ được cổ phần hóa theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đại diện Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ (hiện đang là 100%) sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP).

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, EVN Genco 2 nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm triển khai phương án cổ phần hóa Genco 2 bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và lợi ích Nhà nước.

“Bom tấn” ngành điện

Trước đó, tại lễ công bố kết quả xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Công ty mẹ Genco 2, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2019 của Công ty mẹ - Genco 2 là hơn 26.605 tỷ đồng.

Ngoài ra, tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là tài sản cố định hình thành từ quỹ khen thưởng, phúc lợi có giá trị còn lại là 5.694.156.764 đồng được chuyển giao cho tổ chức công đoàn tại CTCP quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong CTCP.

Được biết, Genco 2 chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013. Nếu xét về quy mô, Genco 2 không có lợi thế về sản lượng điện và doanh thu như các “người anh em” PV Power, Genco 3… nhưng lại hoạt động rất hiệu quả với lợi nhuận hợp nhất lên đến 3.575 tỷ đồng, cao nhất trong các tổng công ty sản xuất điện trên sàn chứng khoán.

Hiện, công ty mẹ Genco 2 có 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, Tổng công ty có 5 công ty con nắm giữ 51% đến dưới 100% vốn điều lệ, bao gồm: Nhiệt điện Phả Lại (mã: PPC ), Nhiệt điện Hải Phòng (mã: HND ), Thuỷ điện Thác Mơ (mã: TMP), Thuỷ điện Sông Ba Hạ (mã: SBH), CTCP Thuỷ điện A Vương (mã: AVC).

Các công ty con này đang hoạt động khá hiệu quả, tiêu biểu nhất là Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Hải Phòng, lần lượt lãi hơn 1.260 tỷ đồng và 1.172 tỷ đồng trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Genco2 còn nắm 100% vốn là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đang sở hữu nhà máy điện có sản lượng thiết kế trên 1 tỷ kWh mỗi năm. Một số nhà máy hạch toán phụ thuộc như Thủy điện An Khê-Kanak, Thủy điện Quảng Trị, Thủy điện Sông Bung và Nhiệt điện dầu Ô Môn.

Ngoài các nhà máy hiện hữu, Genco2 cũng đầu tư thêm vào Dự án điện gió Công Hải 1 (đã phát hành hồ sơ mời thầu EPC cuối tháng 10); Dự án điện gió Hướng Phùng 1 (đã phát hành hồ sơ mời thầu EPC ngày 9/10); Khởi công công trình mở rộng lưu vực bổ sung nước cho Công trình Thuỷ lợi – Thuỷ điện Quảng Trị và vùng hạ du…

Hồi hộp chờ IPO

Thực tế, thời điểm EVN đưa ra phương án cổ phần hóa Genco 2 là giai đoạn 2016-2018, nhưng do vướng mắc từ quá trình chuyển đổi, cũng như chưa có sự thống nhất về tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra nên phải lùi tiến độ cổ phần hóa sang năm 2020.

Từ câu chuyện cổ phần hóa tại Genco 3 và PV Power, một số ý kiến đánh giá, nhiều khả năng phương án cổ phần hóa của Genco 2 sẽ có những đặc điểm tương tự, ngoài một phần dành để chào bán cho đại chúng nhà đầu tư, cán bộ, công nhân viên, thì một tỷ lệ cổ phần đáng kể sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Trước đó, theo Quyết định số 26/2019/QÐ-TTg ngày 15/8/2019 phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Genco 2 nằm trong số 27 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, hoặc không nắm giữ cổ phần sau cổ phần hóa.

Ðiều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chiến lược quan tâm có cơ hội tiến tới sở hữu doanh nghiệp ở mức chi phối và giá bán IPO bình quân sẽ là cơ sở quan trọng để xác định giá bán chiến lược.

Tuy nhiên, dù được đánh giá cao về tiềm năng nhưng có ý kiến cho rằng, điều này chưa đủ để Genco 2 đạt được kết quả IPO thành công.

Dự đoán này là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào diễn biến phiên IPO của hai “người anh em” trước đó là Genco 3 và PV Power. Trong khi cổ phần PV Power đắt khách với số lượng đặt mua vượt lượng chào bán thì Genco 3 lại chịu cảnh “ế ẩm” cổ phần.

Nguyên nhân của sự khác biệt này được cho là đến từ giá khởi điểm khi giá mỗi cổ phần của PV Power rẻ hơn Genco 3 tới hơn 10.000 đồng. Tất nhiên, nhà đầu tư nào cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp có mức định giá hấp dẫn hơn.

Do đó, nhiều người đang tỏ ra khá lo lắng cho “số phận” của Genco 2 sắp tới khi mà cổ phiếu của PV Power và Genco 3 đều đang giao dịch tại vùng giá hấp dẫn dưới 20.000 đồng/cp.

Hơn nữa, lâu nay, việc cổ phần hóa các Genco luôn được ví như “bán thịt nạc kèm mỡ” để người mua không chỉ tập trung mua những nhà máy thuận lợi và bỏ lại các nhà máy kém thuận lợi hơn cho Nhà nước.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ có quy mô lớn như Genco. Nếu mua cổ phần từng nhà máy, khả năng tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn, bởi thông tin đầy đủ và sẽ ít rủi ro.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang