Quay lại

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

* PV: Cuối năm 2020 dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh. Liệu trong năm 2021 dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đâu là những yếu tố TTCK Việt Nam có thể thu hút được dòng tiền này, thưa ông?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Theo những phân tích của tôi, việc khối ngoại bán ròng trong năm 2020 chỉ mang tính ngắn hạn và để cơ cấu lại danh mục sau một thời gian dài đầu tư ở Việt Nam, chứ không phải khối này rút vốn đi.

Bằng chứng là khối ngoại đã có những phiên mua ròng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2020. Điều này cho thấy sau thời gian dài bán ròng trong năm thì khối ngoại đã bắt đầu giải ngân trở lại cho những vị thế mới. Do đó, tôi cho rằng xu hướng mua của khối ngoại sẽ quay lại trong năm 2021.

Những yếu tố có thể thúc đẩy dòng vốn ngoại có thể đến từ: Thứ nhất, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mặt dù Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19  nhờ những quyết định kịp thời của Chính phủ mà dịch đã được ngăn chặn và tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi. Tốc độ trưởng của Việt Nam trong 2020 vẫn thuộc nhóm có tốc độ cao trên thế giới và dự kiến trong năm 2021 tốc độ tăng trưởng có thể quay lại gần mới trước khi dịch diễn ra.

Thứ hai, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước tiếp tục giúp Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều. Điều này sẽ còn tiếp tục dưới thời tân tổng thống Mỹ, Joe Biden. Đây có thể là điểm cộng rất lớn. Ngoài ra, các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) có thể tạo ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho những doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Thứ ba, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. Bất chấp hệ số P/E đã tăng mạnh trong năm 2020 từ mức 15 lần đầu năm lên mức 17 lần vào cuối năm, thì mức này vẫn còn hấp dẫn với nhà đầu tư trong khu vực. Cụ thể như P/E của Singapore là 24 lần, Thái Lan là 25 lần Philippines là 28 lần và Indonesia là 27 lần. Do đó, về mặt tương đối thị trường Việt Nam vẫn đang được định giá thấp và có thể tiếp tục thu hút dòng vốn từ khối ngoại.

Thứ tư, những sản phẩm mới như quỹ VFMVN DIAMOND có thể tạo ra sức hút với khối ngoại. Trước đây, khối ngoại gặp rất nhiều hạn chế khi đầu tư vào Việt Nam như tỷ lệ sở hữu, cách thức giao dịch... Nhưng hiện tại với những sản phẩm mới như quỹ VFMVN DIAMOND với cổ phiếu thành phần là các cổ phiếu kín room có thể là một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khối ngoại. Qua đó có thể kích hoạt dòng tiền của khối này đi vào Việt Nam.

* PV: Theo nhận định của ông, đâu là những yếu tố nào sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường trong năm 2021?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Những yếu tố tác động lớn đến thị trường trong năm 2021 có thể kể đến là diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, diễn biến này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, RCEP có hiệu lực, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường xuất khẩu mới, qua đó tạo lợi ích không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết trên sàn nói riêng.

Những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, những chính sách này có tác động không nhỏ đến quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, nếu Mỹ tiếp tục cứng rắn và mạnh tay hơn thì quá trình chuyển dịch có thể được đẩy nhanh và nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi lớn.

* PV: Theo ông nhóm ngành nào sẽ là nhóm ngành nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2021?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2021 chứ không chỉ riêng dịch Covid-19. Một số những yếu tố đó có thể kể đến là những tác động từ RCEP, quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu khỏi Trung Quốc và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Từ những yếu tố này, tôi cho rằng những ngành được hướng lợi có thể kể đến là bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản và tiêu dùng thiết yếu. Đây là những ngành sẽ được hưởng lợi khá nhiều từ các yếu tố kể trên.

Trong đó, nhà đầu tư nên chú ý đến ngành bất động sản khu công nghiệp. Quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc qua các nước xuất phát từ các chính sách của Mỹ với Trung Quốc, dưới thời tân Tổng thống Joe Biden quá trình chuyển dịch này sẽ còn tiếp tục trong trung hạn. Điều này sẽ tiếp tục tác động lên nhu cầu sử dụng đất ở các khu công nghiệp ở Việt Nam. Qua đó giúp nhóm này sẽ được hưởng lợi trong lâu dài không chỉ trong năm 2021.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang