Quay lại

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sụt giảm

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc. Tính chung, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%.

Về thị trường, 7 tháng đầu năm 2022, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Khảo sát nhanh của nhóm nghiên cứu các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends về thực trạng sản xuất và xuất khẩu của các DN vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho hay, trong 45 DN đang xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 DN cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, nhưng mức tăng rất nhỏ, chỉ 11%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 DN tham gia thị trường này có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 DN nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 DN tham gia thị trường này thì 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Khoảng 71% DN dự báo lượng đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các DN, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, các con số này cho thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang phải nỗ lực tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác. Thị trường thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng lớn, mà nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh. Các nguyên nhân này dẫn đến giá tiêu dùng tăng mạnh.

Đối diện nguy cơ không tăng trưởng

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 60% trong tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường quan trọng này lại sụt giảm.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, lạm phát tăng cao ở Hoa Kỳ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa cuối năm. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao. Do đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng. Hiện các DN ngành gỗ đang đối diện với nhiều sức ép từ nhiều phía. Giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng sản xuất xuất khẩu, chuyển hướng sang thị trường mới… là những giải pháp mà nhiều DN đang phải thực hiện.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định, sau nhiều năm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục ở mức cao, ngành gỗ hiện đối diện với nguy cơ không tăng trưởng, hoặc có tăng trưởng nhưng rất thấp, chỉ 1 – 3%. Bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các DN.

Cùng với đó, hiện việc nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường châu Âu đang sụt giảm mạnh. Dù nguồn cung nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, trên 30% nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi), dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ.

Để tháo gỡ những khó khăn cho chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khuyến nghị, các DN cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản.

Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần tuyên truyền, vận động các DN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang