Quay lại

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Minh Hùng, chủ vựa trái cây Thuận Phát (Long An), đơn vị xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc xác nhận, việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. “Xe ra tới cửa khẩu là được thông quan ngay, không phải nằm chờ như trước nữa”, ông Hùng nói.

Thống kê của Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn cũng cho thấy, tính đến 20 giờ ngày 8-8, tổng lượng xe chờ thông quan vào Trung Quốc ở ba cửa khẩu của địa phương này, gồm Hữu Nghị, Chi Ma và Tân Thanh chỉ 175 xe, trong đó, có 61 xe chở trái cây. Đây là số lượng khá ít bởi trước đó xe nằm chờ thông quan ở ba cửa khẩu này đều trên 1.000 xe mỗi ngày.

Theo ông Hùng, phía Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch Covid-19 là một trong những lý do khiến việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang quốc gia này được thuận lợi hơn. Quy trình thông quan cũng như trước, xe Việt Nam ra tới cửa khẩu, thì tài xế của Trung Quốc lấy xe đầu kéo của họ kéo thùng container sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc kiểm dịch đã thoáng hơn, không gắt gao như trước nữa.

Trong khi đó, cũng theo ông Hùng, sản lượng trái cây trong nước sụt giảm cũng là lý do khiến việc lưu thông hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Chẳng hạn, với mặt hàng thanh long, loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và có khoảng 60% sản lượng được xuất bán sang Trung Quốc, ông Hùng cho biết, sau một thời gian dài giá bán sụt giảm, cho nên, có khoảng 30% diện tích trồng thành long già (nhiều năm khai thác) đã bị nông dân chặt bỏ hoặc không chăm sóc, khiến sản lượng sụt giảm.

Đối với những vườn còn lại, ví dụ một vườn có thể cho sản lượng 4 tấn, thì người dân chỉ để khoảng 1-2 tấn nhằm dễ dàng chăm sóc trong khâu vuốt ngoe (hay còn gọi là vuốt tai – biện pháp kỹ thuật nhằm giữ cho tai trái thanh long có màu xanh, dài và dày đẹp khi chín) và thu hoạch vì thuê nhân công sẽ lỗ do chi phí đầu tư tăng cao, đây cũng là lý do khiến sản lượng sụt giảm.

Theo ông Hùng, trước đây vào thời điểm hàng mua vụ thuận (không phải xông đèn), hai kho của ông thu mua khoảng 200 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay thu mua lúc đỉnh điểm cũng chỉ được 80-85 tấn/ngày.

Việc xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi cũng giúp giá bán nhiều loại trái cây của Việt Nam tăng trở lại.

Thanh long loại 1 được các nhà kho thu mua hiện có giá 19.000-20.000 đồng/kg; loại 2 là 14.000-15.000 đồng/kg; loạt 3 là 9.000-10.000 đồng/kg (tuỳ kho); hàng để ép lấy nước là 3.000-3.500 đồng/kg. Trong khi đó, cách đây nửa tháng, thanh long loại 1 có giá chỉ 14.000 đồng/kg; loại 2 là 9.000 đồng/kg và loại 3 là 4.000 đồng/kg và loại dùng làm nước ép phải đổ bỏ.

Còn đối với mít Thái, loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam hiện nay, cũng tăng giá mạnh so với trước đó.

Mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá khoảng 22.000 đồng/kg đối với mít kem lớn (từ 9 kg/trái trở lên, không bị xơ đen, trái tròn); 10.000 đồng/kg đối với mít kem nhỏ (từ 4 kg/trái đến dưới 9 kg/trái, không bị xơ đen, trái tròn), tăng gấp đôi so với mức giá được xác lập ở thời điểm trước tháng 8-2022.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang