Quay lại

Tất cả các sản phẩm xăng dầu đã liên tục tăng giá trong 5 phiên điều hành đầu năm, với mức tăng từ 12-16% tùy mặt hàng, đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như người tiêu dùng. 

Đại diện một thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Nam cho hay ngay sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3, giá dầu thế giới tiếp tục "leo thang" với mức tăng trên 7% khi chốt phiên. Điều này khiến mức giá cơ sở vừa được liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh tiếp tục "hụt hơi" với đà tăng của giá thế giới.

Giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Minh - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết giá xăng dầu chiếm 35-40% giá cước vận tải nên khi giá tăng đã ảnh hưởng trực tiếp giá thành vận tải. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu giảm, nên để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp chỉ tăng thêm 500 đồng/km (với taxi), trong khi nếu để bù đắp hết chi phí, giá cước phải tăng từ 1.200 - 1.500 đồng/km. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp không "sức nào chịu nổi" và phải tiếp tục tăng giá cước, nên rất mong Nhà nước đưa ra giải pháp toàn diện, bền vững, lâu dài vì không kìm giá xăng dầu thì lạm phát tăng cao và ảnh hưởng kinh tế của cả nước.

"Đặc biệt, chúng tôi rất mong chờ việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ được sớm triển khai nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ bãi bỏ và tạm dừng áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tức là miễn giảm 100% và tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác như thuế nhập khẩu. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, đến người dân" - ông Minh kiến nghị.

Ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành Công ty may Đáp Cầu, chuyên sản xuất hàng may xuất khẩu - cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá cước vận chuyển hàng trong bối cảnh các chi phí đầu vào khác đều tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chưa kể, giá xăng dầu tăng còn tác động gián tiếp làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào khác, chi phí lương thực thực phẩm tại bếp ăn của công nhân, chi phí nhân công... khiến giá thành đầu vào sản xuất tăng thêm 10-15%, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, nên ông Thăng cho rằng chính sách hỗ trợ giảm thuế với xăng dầu rất được mong chờ.

Theo ông Đào Ngọc Nam, tổng giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam - chuyên cung cấp thực phẩm, bếp ăn cho các khu công nghiệp, giá xăng dầu tăng khiến nhiều sản phẩm thực phẩm tiêu dùng tăng. Thêm nữa là cước vận chuyển hàng hóa đầu vào, với mức tăng mà các đơn vị báo giá là thêm trên 10%, khiến các chi phí chung tăng 15%. Tuy vậy, do kinh tế mới phục hồi, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp đành "cắn răng" giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá đầu ra cho đến khi Nhà nước áp dụng chính sách giảm thuế giúp kìm giá xăng dầu.

Phải giảm mạnh và áp dụng nhanh

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng giá xăng dầu tăng cao chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% trong năm nay. Do đó, phương án giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cần được khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét ban hành. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cụ thể là bao nhiêu cần được Bộ Tài chính đánh giá cân đối hài hòa giữa các lợi ích để chia sẻ với người tiêu dùng.

"Nếu mức giảm thuế bảo vệ môi trường quá nhỏ và chậm trễ áp dụng, giải pháp hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ không phát huy hết hiệu quả là kích cầu như đã đặt ra. Nhìn tổng thể, mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi giá cả tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn" - ông Khanh lo ngại.

Ông Đào Ngọc Nam cũng cho rằng rất mong muốn Chính phủ sớm bàn thảo, áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bởi đây là yếu tố tác động rất lớn giúp giảm giá xăng dầu. Qua dịch COVID-19, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng liên tục, nên việc Nhà nước hỗ trợ giảm các chi phí cơ bản như nguyên liệu đầu vào, giảm lãi suất, chi phí vận chuyển... có ý nghĩa lớn. "Vì vậy, chúng tôi mong muốn mức giảm phải đủ lớn, đủ thiết thực mới có ý nghĩa tác động giúp doanh nghiệp có thể sớm phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển sau đại dịch" - ông Nam nói.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần phải đủ lớn, có thể cân nhắc mức giảm tối đa là 70% so với mức thuế hiện hành, hoặc tối thiểu ở mức 50%. Sau đó tùy vào điều kiện, tình hình thực tế có thể giảm xuống 30% và khi nền kinh tế phục hồi, giá dầu thế giới ổn định lại, có thể quay trở lại áp dụng mức thuế như hiện hành. "Cơ chế điều hành giá cũng cần áp dụng linh hoạt hơn, có thể 5 ngày/lần hoặc trong trường hợp giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng giảm trên 10%, có thể điều chỉnh giá tương ứng", vị này đề xuất.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang