Quay lại

Tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

Chiều ngày 3/3/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo để thông tin về các nội dung chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra cùng ngày. Bên cạnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến phục hồi và phát triển KT-XH, một số nội dung quan trọng khác cũng được thảo luận tại phiên họp lần này như: Dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; đánh giá tình hình, tác động của những diễn biến mới trong nước và quốc tế; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh…

Báo cáo về dự thảo Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, tỷ lệ tử vong/số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%. Dự thảo đặt mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng vừa khôi phục, phát triển KT-XH, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới… Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo Chương trình để sớm trình ban hành trong tuần này.

Về KT-XH, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá, tình hình KT-XH 2 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; Thu ngân sách nhà nước đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư công đạt 8,61% kế hoạch, cao hơn 5,09% so với cùng kỳ; Vốn FDI đăng ký 2 tháng tăng mạnh, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta.

Trước đó trong các hội nghị (đặc biệt là Diễn đàn VBF ngày 21/2) và báo cáo gần đây, các chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn.

Phấn đấu tăng trưởng cao ngay trong quý I

Tuy nhiên, tình hình còn những diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát tăng cao do chi phí nguyên liệu đầu vào nhất là giá xăng dầu tăng cao, nhiều nền kinh tế lớn chuyển sang thắt chặt tiền tệ. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn; tình hình kinh tế, tài chính và chính trị thế giới đang có những diễn biến không thuận tác động tới Việt Nam; một bộ phận người lao động phải nghỉ việc để điều trị, cách ly gây tình trạng thiếu lao động tạm thời… đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động trong điều hành, phù hợp.

Đánh giá tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước; Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, kịp thời có phương án hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động; Triển khai hiệu quả việc mở cửa du lịch, hoàn thiện nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế trên tinh thần bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm…

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.

Nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo để đạt kết quả cao ngay trong quý I, tạo đà phục hồi nhanh, bền vững trong cả năm 2022.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang