Quay lại

LTS: Ngành du lịch đang hoàn thiện phương án để từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại cả du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch NGUYỄN TRÙNG KHÁNH cho biết: Chúng tôi cho rằng, để mở cửa lại an toàn, hiệu quả với lĩnh vực du lịch, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp.

- Ngành du lịch đã “sẵn sàng”, thưa ông?

Đúng vậy! Chúng tôi cho rằng, với những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra.

Đồng thời, đáp ứng định hướng, mong muốn của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Chỉ còn mấy ngày nữa là đến dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam - ngày 15/3. Chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thiện những công việc như thế nào để ngay khi mở cửa là có khách trở lại, thưa ông?

Từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Tuy nhiên, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Để làm tốt được việc này, cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành-bại của việc mở cửa.

Thứ hai, khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ.

Thứ ba, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Thứ tư, hiện Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài, chỉ khi cân bằng được cung - cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch.

Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành.

Thứ sáu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ bảy, tiếp tục quảng bá chiến dịch "Live Fully In Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.

Đây là những nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành chuẩn bị rốt ráo để trước 15/3 chúng ta có được những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch kết nối lại các thị trường và khai thác được các nguồn khách quay trở lại Việt Nam.

- Hiện ngành du lịch đã chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch thế nào sau thời gian dài “đóng cửa”, để sẵn sàng đón khách quốc tế, thưa ông?

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên kết nối với các địa phương, tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp để nắm bắt thực trạng. Với những tín hiệu tốt từ các cơ quan quản lý Nhà nước về chủ trương mở cửa lại du lịch, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động, có kế hoạch hoàn thiện cơ sở vật chất, duy tu, phục hồi lại cơ sở vật chất để đón du khách. Đặc biệt là đảm bảo an toàn và phòng chống dịch.

Hiện, Việt Nam có trên 38.000 cơ sở lưu trú, với trên 700.000 phòng. Khối lượng khách sạn 4, 5 sao trở lên có tỷ trọng cao tại những trung tâm du lịch lớn.

Với số lượng cơ sở lưu trú như vậy có thể đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế và mục tiêu ngành du lịch đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang