Quay lại

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày đề cập nhiều vấn đề nóng.

Cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề cập nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Thất thoát, lãng phí vẫn xảy ra

Báo cáo thẩm tra đề nghị đánh giá hiệu quả chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn đã được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm rõ các vấn đề liên quan đến chống COVID-19, bao gồm cả vấn đề sử dụng các nguồn lực khi có ý kiến về việc tiêu cực, tham nhũng.

“Một số trường hợp đã bị xử lý song chưa đánh giá cụ thể những thất thoát, lãng phí xảy ra; đề nghị cần báo cáo kỹ hơn, làm rõ tổng mức NSNN bố trí cho công tác phòng, chống dịch; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ; các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt hoặc làm chưa tốt” - báo cáo nêu.

Các vấn đề về ngân sách cũng được đề cập sâu. Các khoản thu tăng nhưng báo cáo nhận định nhiều khoản không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương. Đặc biệt, báo cáo thông tin việc nợ thuế, thất thu thuế, chuyển giá, thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số còn bất cập.

Sau khi đề cập đến động lực tăng trưởng là vốn đầu tư và tín dụng, kim ngạch xuất nhập khẩu, nông nghiệp, báo cáo dẫn ra việc “giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch” và “đề nghị báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục”.

Bên cạnh đó cổ phần hóa, thoái vốn cũng là vấn đề nóng, cùng với sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán.

Báo cáo không nêu cụ thể mà cho rằng “có ý kiến” về tình trạng số lượng lớn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới, không chuyên tham gia thị trường, thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến những rủi ro thua lỗ, tiềm ẩn nguy cơ thị trường đầu cơ, ngắn hạn và không mang tính ổn định.

Đặc biệt, báo cáo đề cập đến tình trạng đất nền vùng ven tại một số địa phương tăng nóng trong năm 2021, lên cao gấp 2-3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng một năm; nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là do hoạt động đầu cơ.

Cùng với việc bỏ vốn vào chứng khoán, báo cáo dẫn ý kiến nói “cầu tiêu dùng yếu, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và bất động sản”.

Rủi ro cho nền kinh tế

Điểm qua bối cảnh trong nước, quốc tế cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo nhận định bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ các kế hoạch cụ thể đến các dự án, chương trình như “Sóng và máy tính cho em”, chính sách giảm thuế VAT hay phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dù có đề cập đến “nguy cơ bùng phát trở lại của COVID-19” nhưng báo cáo cũng đề nghị phải thay đổi, linh hoạt việc thực hiện 5K, xem xét lại việc tiêm mũi vaccine thứ 4.

“Có ý kiến đề nghị báo cáo, đánh giá bổ sung về thực hiện củng cố và phát triển hệ thống y tế và chính sách y tế song song với phục hồi kinh tế; các sai phạm trong lĩnh vực y tế” - báo cáo nêu.

Điểm qua các vấn đề về chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, khan hiếm xăng dầu, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, báo cáo phân tích khá sâu về lĩnh vực ngân hàng ở mảng nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.

“Giai đoạn vừa qua, cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh; tỉ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao, cũng cần được báo cáo, phân tích kỹ, nhất là các tác động và rủi ro đối với nền kinh tế” - báo cáo nêu.

Báo cáo cũng nhận định thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ”.

Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Tuy vậy, báo cáo của Ủy ban kinh tế cũng ghi nhận “có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế”.

Đặc biệt, báo cáo đề cập việc sử dụng đất đai lãng phí, khiếu nại tố cáo đất đai còn nhiều và đề nghị chỉ rõ nguyên nhân. Tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất để trục lợi, tạo sốt ảo cũng được đề nghị làm rõ.

“Có ý kiến đề nghị quyết tâm, khẩn trương, ưu tiên bố trí thời gian và nguồn lực để sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023” - báo cáo khuyến nghị.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang